Các 'ông lớn' ngân hàng dè dặt với con số lợi nhuận 2021
Cho đến hiện tại, cả 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đều đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 nhưng trừ Agribank cho biết lãi trước thuế vượt 14.000 tỷ đồng thì tại những ngân hàng còn lại vẫn còn khá dè dặt với con số lợi nhuận.
Mới đây nhất, "quán quân" lợi nhuận ngân hàng Vietcombank đã có buổi tổng kết hoạt động năm 2021 với hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ và HĐQT giao.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông năm 2021, ngân hàng đặt mục mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%, (ước đạt 25.585 tỷ đồng, tăng 11%), lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ được điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
Mức tăng trưởng tín dụng tương ứng với kế hoạch là 10,5%, tổng tài sản mục tiêu tăng 5%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 7%.
Tuy nhiên, theo công bố hôm nay, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt gần 15%, sát mức room tín dụng được NHNN phê duyệt. Mức tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ tác động làm tăng lợi nhuận của ngân hàng, do đó, con số lợi nhuận năm 2021 của Vietcombank có thể vượt 25.585 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2021, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khiêm tốn đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020, tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng từ 10 - 12%.
Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, tăng trưởng tín dụng năm 2021 của ngân hàng đạt 11,8% với 1,33 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng.
Ông cũng cho biết BIDV đã hoàn thành được các kế hoạch đặt ra, như vậy con số lợi nhuận của BIDV sẽ đạt hoặc vượt mốc 13.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của BIDV đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với cuối năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động tính đến cuối năm đạt 1,61 triệu tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động mới đây, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cũng cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao (16.800 tỷ đồng). Con số kế hoạch đầu năm được đưa ra dựa trên tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm đạt từ 6% đến 12%.
Trên thực tế, VietinBank đã tăng trưởng tín dụng 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và KHDN vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020; thu ngoài lãi tăng trên 20%.
Trong nhóm Big4, chỉ có Agribank là mạnh dạn công bố con số lợi nhuận trong năm vừa qua đạt hơn 14.000 tỷ đồng trong thư gửi tới khách hàng đầu năm mới. Cùng với lợi nhuận, tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%; huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%.
Việc các ngân hàng quốc doanh "dè dặt" công bố số lãi cụ thể cũng là điều có thể hiểu được khi đây là một vấn đề được đưa ra tranh luận nhiều trong năm vừa qua khi "ngân hàng lãi lớn trong đại dịch".
Năm 2020 và 2021 nền kinh tế Việt Nam đã phải chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19, đặc biệt là từ làn sóng dịch lần thứ 4. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, không ít phải dừng hoạt động trong khi các ngân hàng lại liên tiếp công bố con số lợi nhuận kỷ lục.
Mặc dù đây không phải xu hướng riêng tại Việt Nam, tuy nhiên, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp liên tiếp đề xuất việc ngân hàng giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện vay vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Về vấn đề lãi suất, trước những tác động từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng trong đó có nhóm ngân hàng quốc doanh đã cam kết giảm hàng chục nghìn tỷ đồng lãi suất để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng cuối năm 2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng đạt khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.
Trong đó, Agribank là nhà băng giảm nhiều nhất tới gần 5.200 tỷ đồng (đạt 90,8% cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỉ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng.
Vietcombank, BIDV, và VietinBank lần lượt đứng sau với số tiền lãi giảm là 3.822 tỷ đồng, 3.382 tỷ đồng và 2.019 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số của các ngân hàng tư nhân.
Mặt khác, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng con số lợi nhuận của các ngân hàng hiện tại chưa phản ánh đúng thực trạng kinh doanh khi có một lượng lớn nợ được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ.
Lãi cao nhưng ngân hàng cũng đối mặt với những rủi ro đi kèm như nợ xấu, chi phí gia tăng như bao doanh nghiệp khác. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và không thể "ép" họ cắt lợi nhuận của chính mình.
Tại phiên Thảo luận của Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh xu hướng thế giới tăng lãi suất lên là một vấn đề "thực sự" khó khăn.
Mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 0,8 điểm % trong năm 2021 và 1 điểm % trong 2020. Bên cạnh đó, NHNN cũng vận động miễn giảm lãi vay và phí, số tiền giảm đã lên đến gần 40.000 tỷ đồng.
Thống đốc cũng cho biết phải gọi là "vận động" vì theo quy định thì NHNN không thể bắt buộc các ngân hàng thương mại giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Có tổ chức tín dụng có cổ đông là người nước ngoài.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/