|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Các 'ông lớn' địa ốc trong cuộc đua tìm kiếm lợi nhuận từ BĐS nghỉ dưỡng

09:50 | 15/08/2019
Chia sẻ
Bất động sản nghỉ dưỡng đã tạo nên cơn sốt đầu tư trong vài năm trở lại đây và trở thành sân chơi hấp dẫn. Có không ít doanh nghiệp địa ốc đã trở thành những “ông lớn” trên thị trường nhờ tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua này.

Thị trường bất động sản (BĐS) dần phục hồi từ giai đoạn 2014 – 2015 cũng là lúc phân khúc BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu được chú ý. Đến nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã được chú trọng đầu tư và đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. 

Chia sẻ tại một Hội thảo diễn ra gần đây, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng và tiềm năng phát triển rất lớn.

Ông Võ phân tích, BĐS nghỉ dưỡng đã có 1 quá trình phát triển khá nhanh từ 2014 tới nay nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, trung bình khoảng 30% mỗi năm.

Từ 2014 tới nay, nguồn cung các BĐS du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, condotel đã tăng lên khá cao, trước hết tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phú Quốc, sau đó đã chuyển sang các địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa có nhiều dự án đầu tư như Vân Đồn, Sầm Sơn, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết,…

Thực tế, trái ngược với bức tranh "màu xám" của thị trường địa ốc ở cả Hà Nội và TP HCM thời gian vừa qua, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn nhộn nhịp và giữ được 'phong độ' khi ngày càng có nhiều các doanh nghiệp địa ốc lấn sân sang lĩnh vực này.

Bên cạnh các doanh nghiệp truyền thống như Vingroup, Sun Group, BIM Group hay FLC Group thì "cuộc đua" BĐS nghỉ dưỡng thời gian vừa qua cũng xuất hiện một số tên tuổi như CEO Group, Novaland, Thaigroup, Hưng Thịnh,... Đặc biệt, làn sóng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng thời gian qua đã chứng minh được sự thành công của nhiều doanh nghiệp tại các thị trường lớn.

BĐS nghỉ dưỡng

Bất động sản nghỉ dưỡng đang là một kênh đầu tư hấp dẫn . (Ảnh minh họa)

Vingroup, FLC mở màn "cuộc chơi" bằng loạt dự án lớn 

Một trong những doanh nghiệp tiên phong và có đóng góp rất lớn vào nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng hiện nay phải kể đến Công ty Cổ phần Vinpearl - công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup.

Vingroup cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận đối với BĐS nghỉ dưỡng vào cuối năm 2014.

Qua 17 năm hình thành và phát triển, tính đến năm 2018, Vinpearl có 21 cơ sở căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng phân bố ở 8 tỉnh thành trên cả nước, phần lớn các dự án này đã và đang đi vào hoạt động. 

Điển hình như loạt dự án lớn khởi công xây dựng từ năm 2015 với thương hiệu Vinpearl ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An...

Năm 2018 là năm đầu tiên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này được hé lộ nhưng cũng đầy ấn tượng. Theo báo cáo tài chính năm 2018, Công ty cổ phần Vinpearl đạt tổng doanh thu thuần là 15.185  tỉ đồng (chiếm 12,5% doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Vingroup), lợi nhuận sau thuế đạt 366 tỉ đồng. 

Trong đó, doanh thu từ dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí của Vinpearl đạt gần 6.500 tỉ đồng, tăng 70% so với năm 2017 (3.800 tỉ đồng).

Tính đến hết năm 2018, tổng tài sản của Vinpearl đạt 41.451 tỉ đồng, vốn điều lệ tại ngày 31/12/2018 của Vinpearl là 7.590 tỉ đồng, do Tập đoàn Vingroup góp 69,93%. Số vốn điều lệ này cao gấp 126,5 lần số vốn ban đầu (60 tỉ đồng).

Cũng chỉ vài năm sau đó, "sân chơi" BĐS nghỉ dưỡng đã có thêm sự góp mặt của Tập đoàn FLC. Mặc dù đi sau Vingroup nhưng FLC cũng gặt gái được khá nhiều thành công nhờ mảng này.

Ngay từ khi lấn sân vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng, FLC liên tục triển khai hàng loạt quần thể nghỉ dưỡng qui mô lớn tại các một số địa phương có tiềm năng du lịch như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), Hạ Long, Quảng Bình,  Quảng Ngãi,…

Tính đến năm 2017, quy mô sản phẩm nghỉ dưỡng của FLC hiện có khoảng 2.500 căn condotel có giá từ 1-5 tỉ đồng, trong đó ở Quy Nhơn khoảng 1.200 căn, Sầm Sơn khoảng 750 căn và Hạ Long 600 căn. Hiện nay, doanh nghiệp này đang tiếp tục mở rộng qui mô sản phẩm nghỉ dưỡng tại các vùng đất mới như Bình Thuận, Quảng Bình,...

Hiện nay, một số quần thể đã đi vào vận hành và khai thác, đem lại lợi nhuận lớn cho tập đoàn này. Năm 2018, tổng doanh thu của FLC đạt 12.016 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ bán BĐS đạt 5.307 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2018 là 560 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của FLC đạt gần 26.000 tỉ đồng, vốn điều lệ hơn 7.000 tỉ đồng, cao gấp gần 389 lần so với số vốn ban đầu (18 tỉ đồng)

Hết 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC đạt 6.294 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh BĐS đạt gần 1.144 tỉ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC chỉ báo lãi 21 tỉ đồng, giảm đến 79% so với mức lãi ròng 103 tỉ của cùng kỳ năm 2018.

Tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến cuối tháng 6/2019 là 27.497 tỉ đồng, tăng so với gần 26.000 tỉ hồi đầu năm. Tuy nhiên, nợ phải trả của FLC lên tới 18.462 tỉ đồng, tăng 1.591 tỉ đồng so với đầu năm và gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.

CEO Group, Novaland bám đuổi quyết liệt

Cùng với những "ông lớn" đã dày dặn kinh nghiệm trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, thị trường đang chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp theo sau nhưng cũng có những cú "bẻ lái" khá ấn tượng sang BĐS nghỉ dưỡng.

Một trong số đó phải kể đến CTCP Tập đoàn CEO (CEO Group). Là doanh nghiệp đi sau nhưng CEO Group có tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô tài sản, nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận trong khoảng 3 năm gần đây nhờ lấn sân sang BĐS nghỉ dưỡng.

Hiện nay, CEO Group đang sở hữu danh mục dự án nghìn tỉ trải dài khắp các tỉnh thành như chuỗi các dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Vân Đồn (Quảng Ninh), Nha Trang… với tổng quỹ đất hiện lên tới hơn 1.000 ha.

Nhận thấy nhiều tiềm năng tại các đặc khu kinh tế tương lai, những năm vừa qua, CEO Group đã dồn lực đầu tư nhiều dự án lớn tại Phú Quốc, Vân Đồn và khá thành công nhờ mảng này.

Tính tới thời điểm hiện nay, CEO Group đã đưa vào sử dụng nhiều dự án khủng tại Phú Quốc như Dự án Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort và khu biệt thự nghỉ dưỡng Novotel Villas.

Tại Vân Đồn, CEO Group đang sở hữu hai dự án là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City và khu tổ hợp du lịch SonaSea Dragon Bay.

Năm 2018, sự bùng nổ của thị trường bất động sản Phú Quốc khiến doanh thu và lợi nhuận của CEO Group tăng trưởng tốt.

Theo BCTC hợp nhất năm 2018 của CEO, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này đạt 2.246 tỉ đồng (tăng 22% so với năm 2017 ), lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỉ đồng (tăng gần 16% so với năm 2017). 

Kết thúc quí II/2019, BCTC hợp nhất của CEO cho thấy, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, doanh thu đạt hơn 1.501 tỉ đồng, tăng 138%, lợi nhuận sau thuế đạt 276,9 tỉ đồng, tăng 200% so với cùng kì năm 2018.

Trong đó, phần lớn đến từ việc kinh doanh hàng loạt các dự án BĐS chiếm tới hơn 1.286 tỉ đồng, tăng hơn 196% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Tập đoàn đạt 2.565,7 tỉ đồng, tăng 140% và lợi nhuận sau thuế đạt 381,14 tỉ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn chủ sở hữu đạt 2.514,1 tỉ đồng.

So với kế hoạch 3.200 tỉ đồng doanh thu và 445 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, nửa chặng đường năm 2019, Tập đoàn đã lần lượt thực hiện được hơn 80% và 85,65% chỉ tiêu cả năm.

Tính đến hết ngày 30/6/2019,  tổng tài sản của CEO Group đạt gần 8.223 tỉ đồng. Từ năm 2007, khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tập đoàn CEO có vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 6/2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt hơn 1.544 tỉ đồng, tăng lên 15,4 lần.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng thời gian gần đây cũng chứng kiến bước "chuyển mình" khá ấn tượng của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).

Là một doanh nghiệp địa ốc phía Nam được thành lập từ năm 1992,  gắn với hàng chục dự án chung cư tại các quận trung tâm TP HCM.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016-2017, doanh nghiệp này bất ngờ phát đi những tín hiệu đầu tiên của bước ngoặt mới bằng việc rót hàng chục triệu USD đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng ven biển.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 được tổ chức mới đây, Tập đoàn Novaland cho hay, năm 2019 sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực trọng tâm là BĐS và dịch vụ du lịch.

Cụ thể, trong năm 2019, "ông lớn" này dự kiến triển khai thêm 2.300 sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng trên tổng quỹ đất 2.650 ha, tập trung tại các thành phố du lịch lớn.

Hiện nay, nhiều quỹ đất lớn tại các thành phố phát triển về du lịch như Phan Thiết, Cam Ranh, Vũng Tàu, Cần Thơ...đã nằm trong danh mục đầu tư Novaland. Các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn này cũng bắt đầu xuất hiện ở Cần Thơ, Mũi Né...

Tính đến tháng 6/2019, hàng loạt dự án du lịch ven biển của Novaland được giới thiệu ra thị trường như NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu), NovaHill Mũi Né, NovaBeach Cam Ranh, đại đô thị sinh thái với dự án đầu tiên ra mắt Aqua City (Đồng Nai)…

Theo BCTC hợp nhất năm 2018 của Novaland, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này đạt 15.290 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.267 tỉ đồng, tăng 58% so với năm 2017.

6 tháng đầu năm 2019, Novaland ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo đó, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 8.045 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu thuần chuyển BĐS chiếm đến 96%.

Tại ngày 30/06/2019, tổng tài sản của Tập đoàn này đạt 74.793 tỉ đồng, vốn điều lệ đạt 9.372 tỉ đồng, cao gấp 23.430 lần so với số vốn ban đầu (400 triệu đồng).

Tuy thị trường BĐS nghỉ dưỡng cuối năm 2018 đầu năm 2019 có sự chững lại nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, đây vẫn là kênh thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường và tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo của Savills, Việt Nam hiện đang dẫn đầu nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng giai đoạn 2019 - 2020. Rổ hàng BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam vượt trội so với nhóm các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc.

Việt Nam có khoảng 45.650 phòng sắp gia nhập thị trường trong giai đoạn 2019 -2022, trung bình có 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm, chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại.

Đáng chú ý, theo phân tích của Savills, tốc độ tăng trưởng trung bình lượt khách quốc tế (CAGR) tại Việt Nam trong một thập niên qua (2008 – 2018) đạt 13,8%, đầy ấn tượng khi lần lượt cao hơn khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương và thế giới.

Trong vòng 3 năm kể từ cột mốc 2015 đến năm 2018 chỉ số CAGR của Việt Nam tăng 24,9%. Trong 5 năm, tức giai đoạn 2013 – 2018, CAGR của Việt Nam tăng 15,4%. Trong một thập niên, tức thời điểm 2008-2018, CAGR của Việt Nam tăng 13,8%.

Thu Hà