|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các nhà cung ứng cũng 'dính chùm' vì dịch tả heo châu Phi

11:06 | 02/08/2019
Chia sẻ
Dịch tả heo châu Phi (ASF) đang lan rộng không chỉ gây thiệt hại với người chăn nuôi trực tiếp mà cả những nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất.
avatar_1564718585853

TP.HCM tăng cường kiểm soát thịt heo trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Q.T

Nợ dính chùm, nợ dắt dây

Đã hơn 3 tháng nay, ông M.Q.L, giám đốc một công ty cơ khí ở H.Hóc Môn (TP.HCM) liên tục đến Đồng Nai để đòi nợ khách hàng là một công ty chuyên giết mổ. “Hợp đồng lắp đặt máy đánh lông heo hơn 1,7 tỉ đồng, họ mới thanh toán trước khoảng 30%, phần còn lại khách hàng này cứ tìm mọi lý do để không nghiệm thu, dây dưa kéo dài thời gian không chịu trả khiến tôi rất mệt mỏi”. 

Đây chỉ là một trường hợp cụ thể về nợ nần dính chùm trong chuỗi chăn nuôi trong đại dịch hiện nay. Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của miền Nam, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho chăn nuôi như thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giết mổ… đang chịu thiệt hại nặng nề từ dịch tả heo châu Phi.

Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Đa số các nhà máy thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ, các đại lý thuốc thú y trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều đã giảm bớt nhân viên, cho nghỉ việc và giảm sản lượng 50-60%. 

Tình trạng nợ dây chuyền, nợ dính chùm lẫn nhau trong chuỗi sản xuất rất phức tạp. Có đơn vị phá sản, có đơn vị buộc phải chuyển đổi sang mô hình khác.

Theo bà Lâm Thúy Ái - Phó tổng giám đốc Công ty Mebipha, chuyên sản xuất thuốc thú y và thủy sản : Đặc thù của dây chuyền sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam là bán thiếu, công nợ, nên khi đầu ra gặp khó khăn là đổ vỡ hết. "Những bạn bè trong ngành mà tôi biết có những trường hợp đổ bệnh vì bao nhiêu tài sản tích cóp được đều đổ vào trang trại, đến nay gần như mất trắng.

Riêng tại công ty chúng tôi, mặc dù không chịu thiệt hại trực tiếp nhưng các kế hoạch tăng tốc đều phải ngưng lại, nhà máy hoạt động cầm chừng, công nhân làm không đủ ngày công thì thu nhập thấp”- bà Ái nói

Đại diện Công ty C.P Việt Nam cũng cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh ASF và tâm lý bán chạy dịch đã làm thị trường thịt heo giảm giá sâu, tác động này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của C.P cả về doanh thu và tổ chức sản xuất, ví dụ như không xuất nhập được heo, hoặc phải hạn chế rất lớn việc vận chuyển heo đi qua những khu vực có dịch bệnh, ngừng nhập heo giống thay đàn vào các trại heo nái…

Chuyển đổi mô hình, liên kết hợp tác

Ngành chăn nuôi hiện nay đang bế tắc, nhưng đối với các doanh nghiệp làm ăn bài bản và quy mô lớn, khó khăn hiện tại cũng chính là giai đoạn để tự chuyển đổi. Tại H.Long Khánh (Đồng Nai), nơi trước đây có nhiều trại chăn nuôi heo quy mô lớn, nhiều chủ trại đã chuyển sang nuôi vịt đẻ (lấy trứng). 

Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay, vài tháng gần đây, ông nhận được nhiều đề nghị hợp tác liên kết để tiêu thụ trứng, và đối tác không ai khác hơn chính là những chủ trại heo lớn trước đó. “Có một sự tương đồng trong kết cấu hệ thống chuồng trại nuôi heo và nuôi vịt đẻ. Các chủ trang trại thích ứng rất nhanh, khi chăn nuôi heo gặp khó, họ nhanh chóng chuyển đổi mô hình cho phù hợp”.

Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng dự đoán: “Sau những đổ vỡ của ngành chăn nuôi hiện tại, có thể phải mất 2-3 năm nữa, người chăn nuôi mới có thể hồi phục trở lại, nhưng các mắc xích trong chuỗi sản xuất hiện nay sẽ thay đổi. 

Khi đó có thể giảm bớt những khâu trung gian, những đại lý cấp dưới. Nhà sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… sẽ liên kết trực tiếp với trang trại nhiều hơn, giúp giảm giá thành khi đến tay người tiêu dùng”.

Ông Kiều Minh Lực - Phó tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam phân tích: “C.P sẽ không giảm đàn heo nhưng cũng không tăng đàn trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, không nên quá bi quan về dịch bệnh ASF, vì là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam nên người chăn nuôi lo lắng do thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về bệnh này. An toàn sinh học là vấn đề cốt tử của ngành chăn nuôi nói chung. 

Tất cả các loại dịch bệnh và đặc biệt là bệnh ASF sẽ không trừ ai nếu không có biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tốt. Chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ vẫn còn con đường nếu họ quan tâm đến an toàn sinh học và những phân khúc thị trường thịt heo mà chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn của doanh nghiệp có thể không làm được hoặc làm không hiệu quả bằng chăn nuôi nông hộ”.

“Đối với người chăn nuôi, trước khi tái đàn heo cần phải nghiêm túc đánh giá lại tất cả các yếu tố liên quan đến an toàn sinh học của trại, những vấn đề gì cần phải khắc phục, thay đổi để đảm bảo chắc chắn trong phòng dịch bệnh, nếu không thì chưa nên tái đàn. 

Cách buôn bán truyền thống trong dân cũng cần phải thay đổi, ví dụ như việc tồn tại chợ heo giống truyền thống là một nguy cơ lan truyền dịch bệnh rất lớn” - ông Kiều Minh Lực khuyến cáo.

Quang Thuần