|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo nhiễm dịch mà không được tiêu hủy cả đàn

08:00 | 01/08/2019
Chia sẻ
Một con trong đàn nhiễm dịch tả heo châu Phi, người dân muốn tiêu hủy cả đàn vì nghi mắc bệnh nhưng không được giải quyết.

Ngày 30-3, xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phát hiện ca mắc bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đầu tiên và dịch kéo dài đến nay.

Bà Lê Thị Khuyến (thôn An Phước, xã Bình An, huyện Thăng Bình) cho hay gia đình bà nuôi 150 con heo trong 12 ô chuồng. Ngày 27-7, bà phát hiện một con heo có dấu hiệu mắc bệnh DTHCP nên báo cáo cán bộ địa phương tiến hành lấy mẫu và cho kết quả dương tính.

Bà Khuyến mong muốn tiêu hủy toàn bộ đàn heo 150 con để tiêu diệt mầm bệnh nhằm tránh lây lan sang những hộ xung quanh, sử dụng chuồng trại để chăn nuôi loài khác hoặc tranh thủ thời gian tái đàn sớm. 

Tuy nhiên, theo quy định thì bà chỉ được tiêu hủy số heo trong ô chuồng đã có kết quả xét nghiệm dương tính.

“Tôi chắc chắn heo bệnh, mong được tiêu hủy”

“Tôi chắc chắn 11 ô chuồng còn lại đang mang mầm bệnh nhưng vẫn phải nuôi, như vậy rất tốn kém và sợ ảnh hưởng đến những đàn heo của bà con xung quanh. Tôi muốn tiêu hủy thì không được bởi không ai giải quyết” - bà Khuyến nói.

Một trường hợp khác, bà Phan Thị Kim Loan (thôn An Mỹ, xã Bình An) cho hay cách đây bốn ngày, đàn heo 10 con của gia đình bà có một con chết, chín con còn lại không có dấu hiệu gì và gia đình vẫn đang tiếp tục nuôi.

Ông Lê Tấn Đạt, cán bộ thú y xã Bình An, cho biết: “Những trường hợp báo cáo có heo chết nghi nhiễm dịch, chúng tôi đến lập biên bản tiêu hủy đối với heo chết và những con có dấu hiệu nghi mắc bệnh. Do không thể lấy mẫu xét nghiệm từng trường hợp cụ thể nên chúng tôi không thể tự ý tiêu hủy những con khỏe mạnh chung chuồng với heo đã chết”.

Ông Lê Văn Để, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, cho biết bệnh DTHCP tại địa phương đang diễn ra rất phức tạp. Với tình trạng như hiện tại mà lấy mẫu từng trường hợp cụ thể sẽ rất tốn kém ngân sách nhà nước.

“Khi có báo cáo có heo chết, cán bộ thú y sẽ đến kiểm tra lâm sàng, đánh giá cụ thể. Đối với heo trong đàn dịch mà chưa có dấu hiệu bệnh, nếu hộ yêu cầu xuất bán hoặc tiêu hủy thì tiến hành lấy kết quả xét nghiệm và gia đình phải trả chi phí” - ông Để nói.

Heo nhiễm dịch mà không được tiêu hủy cả đàn - Ảnh 1.

Huy động xe múc đào hố tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Ảnh: THANH NHẬT

Nghi ngờ heo trong đàn có bệnh: Cần xem xét tiêu hủy

Vấn đề đặt ra là trước đó từng có một số địa phương có heo dịch trong đàn thì người dân được tiêu hủy cả đàn nhưng hiện nay thì mong muốn này của người dân không được thực hiện do Văn bản hướng dẫn số 5169/BNN-TY của Bộ NN&PTNT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Quang Minh, Phó Trưởng phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, cho biết ngày hôm qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cũng đã gọi điện thoại nhờ Cục Thú y tư vấn, hướng dẫn cách xử lý về trường hợp hộ chăn nuôi mong muốn tiêu hủy cả đàn heo khi trong đàn đã có heo dịch nhưng cán bộ thú y địa phương không đồng ý mà chỉ tiêu hủy những con heo đã xuất hiện bệnh, ốm chết.

Theo đó, ông Minh cho biết trong các văn bản trước mà Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống DTHCP có hướng dẫn về việc tiêu hủy DTHCP. Khi đó nếu trong một ô chuồng xuất hiện dịch thì đàn heo của cả ô chuồng đó đều phải tiêu hủy.

Gần đây, một số địa phương phản ánh việc tiêu hủy bao gồm cả những con heo bị bệnh chết và những con heo khỏe mạnh sẽ gây ra thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. 

Do đó, Bộ NN&PTNT đã có thêm một văn bản hướng dẫn bổ sung số 5169/BNN-TY ngày 22-7-2019, trong đó có nêu: Với những con heo bị bệnh có kết quả dương tính với bệnh DTHCP thì bắt buộc phải tiêu hủy, còn với những con heo cùng ô chuồng nhưng vẫn khỏe mạnh mà người dân muốn nuôi cách ly hoặc vận chuyển giết mổ thì phải lấy mẫu để xét nghiệm, để hạn chế việc tiêu hủy tràn lan gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Minh, với trường hợp người dân muốn tiêu hủy cả đàn heo vì nghi ngờ cả đàn đã mắc bệnh DTHCP thì có thể áp dụng tiêu hủy cả đàn như trong văn bản hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống DTHCP mà Bộ NN&PTNT ban hành trước đó.

Không yêu cầu thu phí tiêu hủy từ người dân

Ông Phan Quang Minh, Phó Trưởng phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, cho biết theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì những người dân có heo bị tiêu hủy do DTHCP sẽ được hỗ trợ tiêu hủy. Việc xử lý tiêu hủy, những kinh phí phát sinh khi tiêu hủy sẽ do ngân sách địa phương hỗ trợ. Hiện chưa có quy định nào yêu cầu thu phí tiêu hủy của người dân.

Thanh Nhật - Mai Hiền