|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch

09:20 | 23/07/2019
Chia sẻ
Cùng với Thái Bình, Hưng Yên là một trong 2 địa phương đầu tiên công bố dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên cả nước, cụ thể đó là xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên và xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ.
Mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch - Ảnh 1.

DLTCP càn quét, nay chuồng trại của người chăn nuôi đều bỏ không hoặc dùng làm kho để đồ.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, đã 5 tháng kể từ khi công bố dịch nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi có lợn dịch phải tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Mới 2 hộ được nhận

Tại xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, 2 hộ chăn nuôi đầu tiên có lợn dương tính với DTLCP là của ông Dương Văn Vũ và ông Vũ Văn Động. Sau khi công bố dịch vào ngày 19/2, thành phố Hưng Yên đã tạm ứng ngân sách của thành phố để chi tiền hỗ trợ tiêu hủy cho 2 hộ chăn nuôi này ngay trong tháng 3. 

Cụ thể đó là số tiền 321.138.000 đồng cho 8.450 kg lợn của nhà ông Dương Văn Vũ và 68.362.000 đồng cho 1.799 kg lợn của nhà ông Vũ Văn Động.

Theo thống kê của UBND xã Trung Nghĩa, tính đến ngày 31/5, số lượng lợn phải tiêu hủy trên địa bàn là 121.543 kg, tương đương với số tiền hỗ trợ các hộ chăn nuôi gần 4.703 triệu đồng đồng. Ngoài 2 hộ chăn nuôi đầu tiên thì tất cả những hộ còn lại đều chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị DTLCP.

Trao đổi với PV, ông Trần Đăng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, cho biết: Hồ sơ của các hộ có lợn phải tiêu hủy tính đến hết ngày 31/5 đã được hoàn thiện, chỉ còn chờ phê duyệt của thành phố.

“Xã Trung Nghĩa vốn là địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn lâu năm với số lượng tổng đàn trước khi công bố DTLCP khoảng 7.000 con. Cho đến hiện tại chỉ còn khoảng 2.000 con thôi” – ông Tưởng chia sẻ.

Chờ đợi mỏi mòn

Xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũng nằm trong danh sách những địa phương đầu tiên công bố DTLCP trên cả nước. Thế nhưng sau 5 tháng, toàn bộ hộ chăn nuôi nơi đây vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch.

Mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch - Ảnh 2.

Chuồng lợn trước đây nay đã trở thành nơi nuôi gà và vịt.

Gia đình bà Đào Thị Hoan, xã Yên Hòa, công bố dịch và tiêu hủy lợn từ ngày 24/3 thế nhưng gần đây mới được gọi lên xã để ký hoàn thiện hồ sơ. Nhà bà Hoan phải tiêu hủy 5.952 kg lợn trong đó có 3.080 kg lợn nái và gần 2.900 kg lợn thịt, tương đương số tiền hỗ trợ mà gia đình tự ước tính sẽ được nhận khoảng trên 240 triệu đồng.

Trao đổi với PV, bà Hoan giãi bày: “Khi phát hiện 1 con lợn bị ốm và 1 con bị chết tôi đã báo cho cán bộ thú y địa phương. Được thông báo là phải tiêu hủy hết cả đàn lợn, trong đó có những con chuẩn bị đẻ, mặc dù rất đau xót nhưng chúng tôi vẫn chấp hành tiêu hủy”.

Tình hình hiện tại của nhà bà Hoan vô cùng khó khăn. Lợn dịch đã tiêu hủy từ lâu mà vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Gia đình người nông dân nghèo nay đã cạn kiệt, không còn vốn để xoay vòng, tái chăn nuôi. 

Cho đến hiện tại nhà bà Hoan vẫn còn món nợ ngân hàng 200 triệu đồng tiền đầu tư chăn nuôi, mua giống và mua cám.

“Tôi có nuôi một ít gà nhưng năm nay gà lại mất giá, bỏ 10 đồng ra thì chỉ thu lại được có 5 đồng thôi. Ngoài ra nhà tôi vẫn đang nợ đại lý cám 100 triệu đồng, họ có đòi thì cũng chỉ dám khất và trình bày hoàn cảnh mong họ thông cảm giúp, bao giờ nhận được hỗ trợ thì chúng tôi gửi chứ bây giờ không biết lấy ở đâu ra cả" – bà Hoan than vãn.

Mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch - Ảnh 3.

Lợn chết hết, nợ chồng nợ, gia đình bà Đào Thị Hoan đang hết sức khốn khó.

Theo thống kê của xã Yên Hòa, tổng đàn lợn tại địa phương trước khi DTLCP bùng phát là khoảng 7.000 con, nay chỉ còn trên dưới 2.000 con. Cho đến nay xã đã tiến hành tiêu hủy hơn 300.000 kg lợn dịch, tổn thất đã lên đến xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, cho biết toàn bộ hồ sơ của các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy đều đã được hoàn thiện và gửi lên huyện Yên Mỹ, thế nhưng phía huyện vẫn chưa có phản hồi.

“Giờ đây cán bộ xã chả khác gì con nợ của người dân cả. Họ đòi tiền chúng tôi nhưng chúng tôi nào đã nhận được tiền, lấy đâu mà trả cho họ. Vẫn cứ phải trông ngóng từ phía huyện mà thôi” – ông Duyệt than phiền.

"Công tác tiêu hủy tại xã cũng rất tốn kém. Chúng tôi đã phải thuê công vận chuyển lợn, thuê máy múc, thuê quỹ đất để tiêu hủy và còn cả chi phí kích điện lợn nữa. Ngân sách của xã đã cạn kiệt rồi mà phía huyện vẫn chưa có phản hồi gì cả".

(Ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên)

Phạm Hiếu