|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các hãng xe điện Trung Quốc ồ ạt tấn công thị trường châu Âu

20:14 | 07/11/2021
Chia sẻ
Với nhiều hãng xe điện Trung Quốc, Na-Uy được xem là thị trường mở màn trong chiến dịch mở rộng sang châu Âu.

Nio, hãng xe điện cao cấp Trung Quốc, đang nhắm đến thị trường Na-Uy trong kế hoạch mở rộng ra các thị trường nước ngoài, theo Nikkei.

Hồi cuối tháng 9, startup này giới thiệu mẫu xe điện SUV ES8 tại Na-Uy, đánh dấu lần đầu tiên hãng bước chân vào một thị trường ngoại quốc.

Cùng thời điểm, một showroom có tên Nio House cũng đi vào hoạt động tại Oslo. Trong đợt công bố thông tin trực tuyến hồi tháng 5, Nio ca ngợi khả năng hoạt động của mẫu xe và các lợi ích về môi trường mà nó mang lại.

Các hãng xe điện Trung Quốc ồ ạt tấn công thị trường Châu Âu - Ảnh 1.

Xe Ora Cat của Great Wall Motors tại sự kiện Munich Auto Show diễn ra hồi tháng 9 năm nay. (Ảnh: Nikkei Asia).

"Na-Uy là bước tiến đầu tiên của chúng tôi khi mở rộng vào châu Âu", CEO William Li, chia sẻ. Nio có kế hoạch sẽ giới thiệu xe điện đến 5 thị trường châu Âu vào năm 2022.

Nio không phải hãng xe điện Trung Quốc duy nhất đang để ý thị trường Na-Uy.

Hồi tháng 8, BYD bắt đầu bán mẫu xe SUV Tang đến thị trường Na-Uy. Đến tháng 9, BYD đạt cột mốc 1.000 xe xuất khẩu sang thị trường này. Hãng đặt kế hoạch bán được 1.500 xe tại đây trong năm 2021.

Hãng xe quốc doanh China FAW Group bắt đầu xuất khẩu mẫu xe hạng sang Hongqi sang Na-Uy hồi cuối tháng 9. Trong khi đó, Xpeng Motors đã có mặt ở Na-Uy từ năm ngoái.

Na-Uy dẫn đầu châu Âu ở tỷ lệ người sở hữu xe điện. Thực tế này khiến nó cực kỳ hấp dẫn với các hãng xe Trung Quốc. Gần 80% số lượng xe mới bán ra ở quốc gia này trong tháng 9 là xe điện. Cùng lúc, mạng lưới trạm sạc ngày càng phát triển cũng khiến người dùng có thêm lý do chọn xe điện thay vì xe xăng.

Các hãng xe điện Trung Quốc kỳ vọng Na-Uy có thể là bàn đạp để mở rộng thêm vào châu Âu. Tại triển lãm xe Munich hồi tháng 9, khu vực triển lãm của Great Wall Motors lớn không kém các hãng xe kỳ cựu như Volkswagen. Tại đây, Great Wall Motors giới thiệu  mẫu xe ăn khách tại Trung Quốc Ora Cat cùng với đó là mẫu xe SUV hạng sang Coffee 01. Great Wall Motors bắt đầu nhận các đơn đặt hàng trước từ châu Âu vào cuối năm nay.

Một số thương hiệu Trung Quốc khác cũng có mặt tại triển lãm bao gồm Polestar, hãng xe điện hàng sang thành lập dưới hình thức liên doanh của Zhejiang Geely Holding Group và Volvo.

Thị trường xe điện châu Âu dự kiến sẽ sớm bùng nổ trong bối cảnh Uỷ ban châu Âu đề xuất lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong, bao gồm cả xe xăng và xe hybrid, ở thời điểm năm 2035.

Chạy theo các hãng xe như VW nói riêng hay nhiều "ông lớn" ngành xe khác nói chung tại châu Âu ở mảng xe xăng không phải nhiệm vụ dễ dàng. Dù vậy, các quy định liên quan đến thúc đẩy xe điện đang mở ra cơ hội cho các startup để giành lấy một miếng bánh thị phần lớn hơn.

Bên cạnh đó, người dùng châu Âu cũng đón nhận các thương hiệu Trung Quốc khá nồng nhiệt.

"Chất lượng xe tốt và mức giá thì thấp hơn Tesla khá nhiều", một người mua xe BYD gần đây chia sẻ. Nikkei nói rằng các mẫu xe Trung Quốc thường có giá bằng một phần hai xe Mỹ. Nhiều hãng xe điện Trung Quốc muốn học hỏi kinh nghiệm ở châu Âu trước khi áp dụng bán hàng tại các thị trường khác như Đông Nam Á hay Nhật Bản.

Trung Quốc xuất khẩu 195.000 xe năng lượng mới trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều hơn gấp 5 lần số liệu cùng kỳ. Con số này phần lớn đến từ hoạt động của nhà máy Tesla tại Thượng Hải. Dù vậy, các thương hiệu khác cũng đang đón nhận tăng trưởng tích cực.

Người dùng Trung Quốc cũng yêu thích các thương hiệu địa phương. Trong 9 tháng đầu năm, các hãng xe nội địa chiếm 43% tỷ trọng xe mới bán ra tại Trung Quốc, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe Trung Quốc. Trong khi đó, các thương hiệu xe Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản ghi nhận tỷ trọng giảm.

"Khách hàng đón nhận nhiều dòng xe điện nội địa từ phân khúc giá thấp đến cao cấp", một nhà phân tích nói với Nikkei.

Trước đây, các nhà sản xuất xe Trung Quốc thường đi sau các hãng xe phương Tây và một số quốc gia châu Á ở mảng xe xăng. Xe chạy xăng vốn yêu cầu nhiều linh kiện, công nghệ và chuỗi cung ứng mạnh. Dù vậy, xe điện có cấu trúc đơn giản hơn với các loại linh kiện mới.

"Khi xe điện là tâm điển thị trường, chúng tôi khó có thể cạnh tranh với tốc độ phát triển nhanh hơn của các công ty Trung Quốc", một nhân sự cấp cao của một hãng xe Nhật Bản chia sẻ.

Bắc Kinh đang dồn toàn lực cho ngành xe điện với những kế hoạch táo bạo. Một số startup đang tích cực tuyển dụng kỹ sư từ Nhật Bản và Đức để nâng cao năng lực phát triển.

Do xe điện cần hợp tác với các công ty công nghệ, Alibaba, Tencent và nhiều cái tên khác cũng đang bắt tay với các hãng xe điện để phát triển hệ thống cho xe. Không thể không nhắc đến việc Huawei dồn nhiều nguồn lực vào mảng công nghệ xe tự hành.

Nam Khánh