Các hãng chip Trung Quốc chuẩn bị để trường kì chiến đầu với Mỹ
Tăng tốc độ chuẩn bị để chiến đầu trường kì
Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) và Yangzte Memory Technologies - hãng sản xuất bộ nhớ flash NAND 3D đầu tiên của Trung Quốc là hai trong các công ty đang đặt ra các mục tiêu tham vọng.
Cụ thể, các hãng chế tạo chip này đang muốn đẩy nhanh thử nghiệm thiết bị nội địa cũng như của một số đối tác không phải Mỹ. Theo nguồn tin thân cận của Nikkei Asian Review, nhiều nhà sản xuất chip do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đang thực hiện động thái tương tự.
Ngoài ra, các hãng chip Trung Quốc cũng đang dự trữ nguyên vật liệu đủ cho vài năm sản xuất từ một số nhà cung ứng tương tự Applied Materials - một nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn của Mỹ.
"Rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy các hãng chip Trung Quốc lên kế hoạch B càng sớm càng tốt", Nikkei dẫn một nguồn tin cho hay.
SMIC đã đặt mục tiêu lớn là trước cuối năm nay sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm dây chuyền chế tạo chip 40 nanomet mà không dùng thiết bị Mỹ. Hãng cũng đặt mục tiêu chế tạo chip 28 nanomet tiên tiến hơn trên cùng dây chuyền này trong ba năm tới.
Trong khi đó, kể từ tháng 5 năm nay, Yangtze Memory đã nâng mục tiêu sử dụng thiết bị và vật liệu chip nội địa gần như hàng tháng, nguồn tin của Nikkei nói.
Công ty này còn muốn tăng tỉ lệ thiết bị từ các nhà cung ứng trong nước từ 30% lên 70%. Theo Nikkei, Yangtze Memory đang bổ sung thêm nhiều đối tác địa phương vào danh sách các nhà cung ứng đủ tiêu chuẩn của họ.
Ngành công nghiệp bán dẫn thường có mối liên hệ mật thiết với an ninh quốc gia và đang là một trong các vấn đề trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều sản phẩm từ smartphone, ô tô tự lái đến công nghệ quân sự tiên tiến.
Cho đến nay, vị thế thống trị chuỗi cung ứng ngành bán dẫn chưa tuột khỏi tay các công ty Mỹ. Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc cũng như ông lớn thế giới như Samsung, TSMC (Đài Loan) đều phải phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nếu thiếu thiết bị bán dẫn của Mỹ, hầu hết các nhà sản xuất chip đều phải chịu chi phí cao hơn và hiệu suất giảm.
Nỗ lực "tự cung tự cấp" chip của Bắc Kinh tăng tốc sau khi Mỹ áp các lệnh xuất khẩu mới với Huawei vào tháng 5. Đối tác không thể cung ứng chất bán dẫn cho Huawei nếu họ sử dụng phần mềm và công cụ của Mỹ, trừ khi nhận được giấy phép đặc biệt của Washington.
Khi chính quyền ông Trump mở rộng phạm vi trừng phạt sang WeChat và TikTok, các hãng chip Trung Quốc đã cảm nhận rõ nguy cơ bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn của Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 7/9 tại Hong Kong, cổ phiếu của SMIC đã lao dốc gần 23% sau khi Reuters đưa tin Washington đang xem xét thêm công ty này vào danh sách đen thương mại cùng Huawei.
Khả năng "thực chiến" hiện tại chưa cao
Dòng chip 40 nanomet của SMIC vẫn thua bậc so với các sản phẩm chip nhỏ và tiên tiến hơn của đối thủ, chẳng hơn như chip 5 nanomet của TSMC.
Theo Nikkei, ngay cả trước khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Yangtze Memory đã ủng hộ sử dụng các thiết bị nội địa để đáp lại lời kêu gọi "tự cung tự cấp" chất bán dẫn của Bắc Kinh.
"Nỗ lực của Yangzte Memory đã tăng tốc đáng kể trong năm nay. Hãng này đang dốc toàn lực để áp dụng các máy móc nội địa dù chúng chưa đạt hiệu suất như ý hoặc có thể dẫn đến chi phí phụ. Yangzte Memory vẫn còn một chặng được dài phía trước", nguồn tin của Nikkei nói.
Ngoài ra, Yangzte Memory còn được cho là đã cố gắng dự đoán trước các căng thẳng địa chính trị sắp diễn ra như nguy cơ thương chiến sẽ tiếp tục bùng nổ và quyết định đặt hàng thiết bị sớm hơn dự kiến.
Nhà phân tích Donnie Teng của Nomura Research cho hay hồi tháng 6 năm nay, Yangzte Memory đã đặt hàng máy móc cho kế hoạch mở rộng vào năm tới, sớm hơn vài tháng so với dự định ban đầu.
Ông Teng cho hay, Huawei - khách hàng lớn nhất của SMIC và chiếm 20% doanh thu của hãng, là động lực lớn đằng sau nỗ lực nghiên cứu và sử dụng thiết bị sản xuất bán dẫn trong nước của SMIC.
Vào tháng 8, đồng CEO Zhao Haijun của SMIC xác nhận công ty này đang cố gắng mua công cụ và nguyên liệu sản xuất chip bên trong Trung Quốc.
"Chúng tôi nghĩ tương lai rất xán lạn, ngay cả khi qui mô của các nhà cung ứng nội địa còn nhỏ so với các ông lớn dẫn đầu thị trường hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác truyền thống, đồng thời thử nghiệm các nhà cung ứng nội địa. Tuy nhiên, SMIC không kì vọng các công ty trong nước có thể sớm thay thế đối tác lớn của chúng tôi".
Theo Nikkei, tiến độ của SMIC rất chậm. Đối với dòng chip 28 nanomet, thiết bị của Trung Quốc hiện chỉ có thể đáp ứng 20% nhu cầu của hãng này. SMIC vẫn cần các nhà cung ứng Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu để xây dựng dây chuyền sản xuất không phụ thuộc Mỹ, ông Teng cho hay.
"Sử dụng toàn bộ thiết bị không phải của Mỹ cho dây chuyền sản xuất chip trong nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh sản phẩm của các hãng chip Trung Quốc", ông Johah Cheng - nhà phân tích công nghệ kì cựu của UBS, cho hay.
"Tuy nhiên, về lâu dài, vị thế trên thị trường của các công ty Mỹ cuối cùng cũng sẽ bị lung lay khi họ không còn là lựa chọn duy nhất trong vài năm sau", ông Cheng nói tiếp.
Nhà phân tích Randy Abrams của Credit Suisse nhận định: "Trung Quốc chắc chắn muốn tự chủ hơn về nguồn cung chất bán dẫn. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu liên kết mật thiết với nhau, do đó rất khó để một nước riêng lẻ nào có thể tự chủ 100%".