|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các địa phương tập trung xử lý bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc

04:03 | 28/05/2021
Chia sẻ
Tại Kon Tum, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 12/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò tại các huyện: Kon Plông, Sa Thầy và Ia H’Drai.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, tỉnh ghi nhận có trâu, bò bị mắc bệnh này. Vì vậy, ngành thú y đang phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Theo ông Hà Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, đây là các trường hợp trâu, bò mắc bệnh được ghi nhận lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, dù trước đây ở các tỉnh lân cận như: Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều.

Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiêu hủy các cá thể bị nhiễm bệnh; đồng thời thực hiện các biện pháp khoanh vùng để rà soát và xử lý các ổ dịch, phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại chuồng trại và các khu vực chăn thả. 

Bên cạnh đó, ngành thú y cũng phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, thịt gia súc ra vào khu vực có trường hợp nhiễm bệnh để tránh dịch bệnh lây lan.

UBND tỉnh Kon Tum đã đồng ý và cấp kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mua vaccine phòng bệnh. Hiện nay, sở đang hoàn tất các thủ tục để mua vaccine về tiêm cho gia súc, đặc biệt tại các khu vực xảy ra dịch bệnh. 

Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm có vaccine để tiêm cho gia súc vẫn còn dài nên bà con nông dân cần chú ý vệ sinh chuồng trại, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh,… để hạn chế môi trường sống của các loại côn trùng chứa virus gây hại.

Theo thống kê, hiện tỉnh Kon Tum có khoảng 105.000 con trâu, bò. Với tập quán chăn thả tự do của người dân, kết hợp với việc bắt đầu mùa mưa nên nguy cơ dịch lây lan rộng là rất cao. Do đó, các hộ chăn nuôi cần chú ý theo dõi gia súc và thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành chức năng để phòng, tránh dịch bệnh.

Tại Ninh Thuận, theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Ninh thuận sẽ triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng gây bệnh cho vật nuôi; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng… tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép, không rõ nguồn gốc vào địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò thuộc diện tiêm phòng; xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để mua vắc xin và tổ chức triển khai tiêm phòng khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục khi dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn.

Hiện tổng đàn trâu, bò của tỉnh Ninh Thuận là 124.140 con; trong đó, đàn trâu 4.020 con, đàn bò 120.120 con. Tuy nhiên, chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, dựa vào đồng cỏ tự nhiên là chính. Do đó, nếu không kịp thời có biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại là vô cùng lớn.

Đỗ Thị Thảo Nguyên