Cá tra Việt Nam: Mỹ sẽ 'chốt' lịch thanh tra thực địa trong tháng 3
Sốc: Mỹ áp mức thuế cao khủng khiếp lên cá tra Việt Nam | |
Cá tra Việt Nam đang chịu 'một cổ hai tròng' |
Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các đơn vị liên quan vào hôm 16-3 tại thành phố Cần Thơ, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đã vượt qua 1 bước đánh giá tương đương rất quan trọng, đó là đánh giá về mặt hồ sơ và hệ thống quản quản lý của Việt Nam.
Theo ông Tám, cơ sở để phía Mỹ chấp thuận về mặt hồ sơ Việt Nam tương đương phía Mỹ vì thứ nhất, từ sau ngày 1-3-2016 - tức thời gian Chương trình thanh tra cá da trơn chính thức có hiệu lực - Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ; thứ hai, từ tháng 8-2017- tức thời gian Mỹ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ theo Chương trình thanh tra cá da trơn - đến nay, Việt Nam chưa có một lô hàng nào bị phía Mỹ cảnh báo.
“Đây là 2 điều kiện rất quan trọng để được Mỹ công nhận tương đương về mặt hồ sơ và tiến đến giai đoạn quyết định là Mỹ sẽ sang đánh giá tương đương thực địa tại Việt Nam”, ông Tám cho biết.
Còn về thời gian, phía Mỹ chính thức vào kiểm tra thực địa, theo ông Tám, hồi tuần trước, ông đã sang Mỹ làm việc với lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thì hai bên đã đi đến thống nhất là trong tháng 3-2018 này, phía Mỹ sẽ có thông báo cho Việt Nam về thời gian sang làm việc chính thức.
Theo ông Tám, kiểm tra thực địa là bước rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc được công nhận tương đương cho ngành cá tra hay nói cách khác là quyết định Việt Nam có tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn nói chung và cá tra nói riêng vào Mỹ hay không.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, quy trình công nhận tương đương của Chương trình thanh tra cá da trơn gồm có 6 bước:
Bước 1, nước xuất khẩu yêu cầu Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) của USDA đánh giá tương đương;
Bước 2, nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT) và các hồ sơ kèm theo;
Bước 3, FSIS yêu cầu bổ sung thông tin, FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ;
Bước 4, thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu;
Bước 5, thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý;
Bước 6 là công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).
Cũng chính vì vậy, chiều hôm qua, 16-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triệu tập một cuộc họp như nêu trên để thống nhất việc chuẩn bị và đón đoàn thanh tra của Mỹ sang làm việc tại Việt Nam.
“Do tính chất quan trọng của đợt đánh giá này nên tôi đề nghị chúng ta không được chủ quan, mà phải làm tốt việc quản lý đối với các doanh nghiệp cũng như vùng nuôi”, ông nhấn mạnh và cho biết sắp tới đoàn công tác của Bộ sẽ đi kiểm tra trước nhằm củng cố, rà soát lại tất cả những vấn đề về quản lý, quản trị từ ao nuôi đến các doanh nghiệp chế biến.
"Để được Mỹ đánh giá cao, thì trước tiên chúng ta phải đánh giá và tự hài lòng trước đi đã”, ông nói.
Theo ông Tám, về mặt hồ sơ, thì phía Mỹ đã chấp nhận cho 62 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Mỹ.