|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BVSC: Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,4% so với đầu năm

15:56 | 15/10/2019
Chia sẻ
Theo BVSC, kể từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,4% với lãi suất cao nhất đã được đẩy lên mức 8,5- 8,7%/năm. Trước thềm năm 2020, có khả năng xuất hiện những đợt tăng lãi suất huy động mang tính cục bộ.
BVSC: Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,4% so với thời điểm đầu năm và vẫn có khả năng tăng tiếp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: VietnamBanker)

Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kể từ giữa tháng 8, trên thị trường đã xuất hiện một cuộc đua lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có qui mô vừa và nhỏ. Mức lãi suất cho các kì hạn dài (trên 6 tháng) đã được đẩy lên mức cao nhất 8,5 - 8,7%/năm.

BVSC cho rằng việc phải chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các qui định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên. 

So với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã tăng khoảng 0,4%.

BVSC: Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,4% so với thời điểm đầu năm và vẫn có khả năng tăng tiếp - Ảnh 2.

Đối với việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 9, BVSC nhận định đây cơ bản là một động thái được thực hiện theo xu hướng chung của NHTW các nước trên thế giới trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng. 

Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...

Lí giải về nhận định trên, BVSC cho biết việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Do đó, muốn biết Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới. Trên thực tế tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 2/10 mới tăng 8,95%, thấp hơn con số của quí III/2018 và còn cách khá xa mục tiêu 14% cho cả năm nay.

Mặc dù vậy, BVSC cho rằng việc giảm lãi suất điều hành sẽ có tác dụng định hướng, "neo giữ" kì vọng khiến mặt bằng lãi suất huy động nói riêng và mặt bằng lãi suất cho vay nói chung sẽ ổn định và khó tăng mạnh thêm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng trước thềm năm 2020 khi hệ số CAR theo Basel II được chính thức áp dụng cho toàn hệ thống và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được tiếp tục điều chỉnh giảm sẽ vẫn có những đợt tăng lãi suất huy động mang tính cục bộ và chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có qui mô vốn vừa và nhỏ.

Quốc Thụy