Bước tiến mới của Mark Zuckerberg và Meta trong ván cược 10 tỷ USD
Tháng 2, Meta, công ty mẹ Facebook cho biết dự kiến sẽ chi ít nhất 10 tỷ USD trong năm nay để nghiên cứu và phát triển công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), bao gồm cả những thiết bị hỗ trợ như kính và tai nghe máy tính, theo CNBC.
Ngày 20/6, Giám đốc điều hành Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg, đã cho thấy công ty truyền thông xã hội này đang đạt được nhiều tiến đối với mục tiêu đã đề ra bằng cách tiết lộ nhiều nguyên mẫu tai nghe chưa hoàn thành mà công ty đã chế tạo trong phòng thí nghiệm của mình.
Mark Zuckerberg đã đặt cược vào tương lai của công ty mạng xã hội mà anh thành lập dựa trên công nghệ VR, đưa người dùng vào thế giới do máy tính tạo ra và AR, đặt chồng các đối tượng do máy tính tạo ra so với thế giới thực.
Năm ngoái, công ty đã đổi tên thành Meta để làm nổi bật điểm nhấn mới của công ty về metaverse, một thế giới ảo mà Mark Zuckerberg tưởng tượng rằng mọi người sẽ dành nhiều thời gian hơn, trong trường hợp lý tưởng nhất là thông qua các sản phẩm hỗ trợ tiên tiến.
Nếu Mark Zuckerberg thành công trong việc đưa các thiết bị hỗ trợ này trở thành xu hướng chủ đạ, thì Meta sẽ có một nguồn doanh thu mới từ việc bán phần cứng và công ty sẽ kiểm soát nền tảng phần cứng của riêng mình. Điều này sẽ khiến Meta ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nền tảng từ các công ty khác.
Ví dụ, trong cuộc gặp mặt các nhà đầu tư gần đây, Mark Zuckerberg nói rằng những thay đổi về quyền riêng tư mà Apple thực hiện đối với iPhone có thể khiến Meta mất đi 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay, vì điều này cản trở khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác của công ty đến các đối tượng khác.
Thị trường VR hiện tại rất nhỏ và có nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc liệu Meta có thể phát triển lớn tới mức nào. Meta hiện đang thống trị doanh số bán tai nghe, với dòng Quest 2 (giá khởi điểm 299 USD) chiếm tới 78% tổng doanh số tai nghe vào năm 2021, theo ước tính từ IDC. Tuy nhiên, chỉ có 11,2 triệu tai nghe VR được bán ra trong năm, một con số nhỏ hơn nhiều so với điện thoại thông minh hoặc PC.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nghi ngờ về việc Meta bắt đầu chuyển hướng khỏi lĩnh vực kinh doanh chính là quảng cáo và ứng dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu công ty đã giảm hơn 53% kể từ đầu năm do những lo ngại về chi phí gia tăng, dự báo tăng trưởng thấp, sự cạnh tranh từ TikTok và ảnh hưởng từ việc thay đổi quyền riêng tư trên iPhone của Apple đã cản trở quảng cáo trên thiết bị di động.
Những bước tiến mới gần đây liên quan đến metaverse cũng không thể xoa dịu những nỗi sợ. Trong phiên giao dịch gần nhất, giá cổ phiếu Meta tiếp tục giảm 4%, bất chấp đà phục hồi chung của cổ phiếu công nghệ.
Điều khác thường của Meta trên thị trường hàng điện tử tiêu dùng
Meta đang phát triển các màn hình thực tế ảo thế hệ tiếp theo được thiết kế để cung cấp trải nghiệm thực tế đủ để người dùng cảm thấy như họ đang ở trong cùng một phòng với những người khác, tỷ phú Mark Zuckerberg cho biết. Màn hình hiện tại có độ phân giải thấp, bị méo mó và không thể đeo trong thời gian dài.
“Chúng tôi sẽ sớm tạo ra những cảnh quay với độ phân giải sắc nét, tạo ra trải nghiệm mới đối với người dùng. Thay vì nhìn các hình ảnh thông qua một màn hình, bạn có thể cảm nhận như mình đang đứng ở trong đó”, tỷ phú Mark Zuckerberg cho biết.
“Vấn đề ngày nay là độ sinh động của màn hình mà chúng tôi có so với những gì mắt bạn nhìn thấy trong thế giới thực khác với độ lớn hoặc hơn thế nữa”, CEO Meta nói thêm.
Trong vài năm qua, Meta thường xuyên thể hiện sự tiến bộ của mình trong việc phát triển tai nghe thực tế ảo và kính thực tế tăng cường cho các đối tác và báo chí, để khuyến khích các nhà đầu tư coi trọng giá trị dự án, đồng thời giúp tuyển dụng các nhà phát triển và các kỹ sư được trả lương cao có kinh nghiệm trong lĩnh vực VR và AR.
Trong các buổi thuyết trình thời gian gần đây, CEO Meta và công ty thường xuyên trưng bày các nguyên mẫu chưa hoàn thiện để sử dụng trong nghiên cứu, một điều không bình thường trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng.
Các công ty trong ngành này thường lựa chọn việc hoàn thiện các sản phẩm và tìm hiểu xem chúng sẽ được sản xuất như thế nào trước khi thông báo tới truyền thông. Ví dụ, Apple, công ty đang phát triển tai nghe của riêng mình, không bao giờ giới thiệu các nguyên mẫu với bất kỳ ai.
“Những nguyên mẫu này là những mô hình tùy chỉnh và đặt làm riêng mà chúng tôi đã xây dựng trong phòng thí nghiệm của mình. Vì vậy chúng không phải là những sản phẩm đã sẵn sàng để xuất xưởng”, tỷ phú Mark Zuckerberg nhấn mạnh.