|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bước đi mới khiến thế giới chú ý của New Zealand sau kì tích dập dịch

07:49 | 26/05/2020
Chia sẻ
Thủ tướng New Zealand đề xuất các công ty chuyển sang mô hình làm việc 4 ngày/tuần. Một số chuyên gia cho rằng cách ứng phó đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ ý tưởng này khả thi.

Nhờ hành động quyết đoán từ sớm, cùng với phong cách lãnh đạo dựa trên sự đồng cảm của Thủ tướng Jacinda Ardern, New Zealand đã dập tắt đợt bùng phát dịch virus corona trong thời gian chưa đến 50 ngày.

Thành tích này giúp điền tên "quốc gia Kiwi" vào danh sách những địa chỉ để phần còn lại thế giới tìm kiếm chỉ dẫn, không chỉ về cách chống dịch COVID-19 mà còn những bước đi kế tiếp khi các nước tiến vào kỷ nguyên hậu COVID-19, theo Washington Post.

Bước đi mới khiến thế giới chú ý của New Zealand sau kì tích dập dịch - Ảnh 1.

Sarah Meadowcroft, giáo viên tại vùng Auckland, New Zealnd, chuẩn bị cho buổi học của một nhóm nhỏ học sinh vào ngày 28/4. Ảnh: Getty.

Trải qua "phép thử" đại dịch

Nữ lãnh đạo 39 tuổi của New Zealand tuần qua đăng tải một đoạn video trên Facebook đề xuất ý tưởng tuần làm việc 4 ngày. Giữa cuộc khủng hoảng virus corona, nhiều công ty đã chứng tỏ được sự linh động để ứng phó bối cảnh mới. Ý tưởng từng bị nhiều khu vực kinh tế cho ra rìa giờ đây không còn bất khả thi như họ từng nghĩ.

Thủ tướng Ardern nói mình đang tìm kiếm những hướng đi sáng tạo để kích thích du lịch quốc nội, giải cứu ngành kinh tế này giữa lúc cả nước mới bắt đầu mở cửa trở lại và các biện pháp kiểm soát biên giới còn nghiêm ngặt.

"Tôi đã nghe nhiều người gợi ý chúng ta nên có tuần 4 ngày (làm việc). Suy cho cùng, nó thật ra là câu chuyện giữa người tuyển dụng và người được tuyển dụng", bà đề cập đặt ý tưởng trong bối cảnh môi trường làm việc đã có nhiều thay đổi lớn và đã được trui rèn chính bởi đại dịch.

"Tôi thật lòng khuyến khích mọi người nghĩ đến ý tưởng này, nếu bạn là bên tuyển dụng và đang ở vị thế có khả năng thực hiện", bà đề nghị các công ty cân nhắc chính sách mới "nếu điều đó hiệu quả với nơi làm việc của các bạn".

Bước đi mới khiến thế giới chú ý của New Zealand sau kì tích dập dịch - Ảnh 2.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Reuters.

Trào lưu đã có từ trước

Theo Alex Soojung-Kim Pang, tác giả quyển "Shorter: Work Better, Smarter, and Less - Here's How" (Tạm dịch Ngắn hơn: Làm việc tốt hơn, thông minh hơn và ít hơn - Đây chính là cách), trào lưu chuyển đổi sang mô hình tuần làm việc chỉ 4 ngày đã bắt đầu từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khá lâu.

Trong nghiên cứu của mình, Pang dành thời gian tại một số văn phòng áp dụng chính sách này tại Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ và các nước vùng Scandinavi. Ông tìm cách lý giải cụ thể vì sao những công ty chọn thay đổi chính sách làm việc ít ngày hơn mỗi tuần.

"Không chỉ những nền dân chủ xã hội nhạy cảm thực hành chính sách đó", Pang nói trào lưu này còn xảy ra tại những quốc gia "làm việc quá tải vốn là quy chuẩn".

Một số nghiên cứu ghi nhận năng suất và mức hài lòng với nơi làm việc tăng lên khi áp dụng lịch làm việc ngắn và cô đọng hơn.

Thủ tướng Phần Lan cũng từng đề cập ý tưởng tương tự. Công đảng tại Anh thậm chí đã vận động cử tri với kế hoạch này. Một số công ty đã độc lập áp dụng nó, như trường hợp của Microsoft tại Nhật Bản hay Shake Shack tại Mỹ, và đều đạt được thành công.

Một nghiên cứu tại Anh vào năm 2019 ghi nhận khoảng 64% lãnh đạo doanh nghiệp dùng chính sách làm việc 4 ngày/tuần đã cải thiện thành công năng suất của nhân viên. Trong khi đó, khoảng 77% người lao động đánh giá mô hình liên quan đến cải thiện chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rào cản hành chính, đơn cử là hợp đồng lao động, nằm trong số những hạn chế lớn nhất để hiện thực hóa mô hình.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Karren Jansen, nhà nghiên cứu hành vi tổ chức tại Anh, ước tính việc chuyển đổi sang tuần làm việc ngắn hơn phải đợi đến sớm nhất là năm 2030. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng vừa qua, Jansen nhận ra đại dịch đã "tăng tốc" tiến độ.

"Trước đây, kiểu sắp xếp công việc linh động có phần bị kỳ thị. Những cảm giác tiêu cực đó đang biến mất. Covid mang đến hiệu ứng san phẳng", bà đánh giá.

"Trải nghiệm vừa qua cho chúng ta thấy không cần một mô hình 'một kích cỡ áp cho tất cả'. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ trở lại với đường lối cũ", Jansen nói.

Bước đi mới khiến thế giới chú ý của New Zealand sau kì tích dập dịch - Ảnh 3.

Các công ty tại một số quốc gia có văn hóa làm việc quá sức cũng đã thử nghiệm mô hình tuần làm việc 4 ngày. Ảnh: Reuters.

Luật hóa tạo điều kiện giảm bất bình đẳng

Trên lý thuyết, nhiều lợi tích từ chính sách làm việc 4 ngày/tuần trùng khớp với mặt tích cực của hình thức làm việc tại nhà, bên cạnh nhu cầu về sự an toàn trong giai đoạn đại dịch. Theo Jansen, mô hình cho phép người lao động tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giải cứu môi trường thông qua giảm di chuyển và để lại tác động trên Trái Đất.

Tương tự làm việc từ xa, chính sách làm việc 4 ngày/tuần sẽ không thể áp dụng một cách đồng đều cho mọi người lao động. Có nhiều hình mẫu khác nhau để hướng đến tuần làm việc ngắn hơn. 

Một số chính sách có thể hướng đến kết quả lao động không đổi nhưng được cô đọng trong ít giờ làm hơn. Hướng làm khác có thể là giờ làm dài hơn nhưng dàn trải trong số ngày ngắn hơn.

Đại dịch đã thể hiện rõ sự phân chia này giữa những nghề nghiệp có khả năng làm từ xa với người lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, giao hàng, chế biến thực phẩn ... vốn không thể ở nhà làm việc. 

Cuộc khủng hoảng cũng phóng đại sự bất bình đẳng giữa người lao động có công việc chính thức, có hợp đồng và giờ làm cụ thể, với những người có thu nhập dựa vào nền kinh tế không chính thức.

Còn theo Andrew Barnes, một doanh nhân và người cổ súy nhiệt thành cho chính sách tuần làm việc 4 ngày tại New Zealand, mô hình có thể hỗ trợ giải quyết bất bình đẳng giới.

Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên toàn thế giới phải chịu gánh nặng chăm sóc con cái và trách nhiệm gia đình nhiều hơn trong giai đoạn phong tỏa vì dịch bệnh và lệnh làm việc tại nhà. Nói cách khác, những bất bình đẳng tồn tại từ lâu đã được khuếch đại.

Tuy nhiên, theo Barnes, đưa tuần làm việc 4 ngày lên tầm chính sách có thể tạo ra một trạng thái bình thường mới, khi các giới phân chia lại thời gian cân bằng hơn giữa nơi làm việc và gia đình. Điều này cho phép tháo bỏ các rào cản thăng tiến sự nghiệp đối với phụ nữ.

"Bạn không thể có nữ giới đạt đến đỉnh cao (công việc) nếu bạn không kéo được nam giới ra khỏi văn phòng. Điều này sẽ cho phép nam giới dành nhiều thời gian hơn ở nhà, trông nom con cái, nhận trách nhiệm chăm sóc", Barnes chia sẻ quan điểm của mình.

Ông kêu gọi những công ty đang cần thu hẹp quy mô có thể cân nhắc đổi sang mô hình tuần làm việc 4 ngày. Việc giảm đi một ngày cũng giúp giảm số chi phí liên quan đến văn phòng làm việc.

"Hãy trả cho họ tương xứng với giá trị, chứ không phải lượng thời gian họ dành ra ở văn phòng", Barnes nói.

Thanh Danh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.