|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bức tranh xuất khẩu nông sản 2019: Khả quan trong bối cảnh nhiều biến động

20:05 | 23/12/2019
Chia sẻ
Dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt khoảng 41,3 tỉ USD, thấp hơn so với mục tiêu 43 tỉ USD đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, đây cũng được coi là kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nông sản toàn cầu có nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt.

Thị trường xuất khẩu nhiều nông sản gặp khó

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2019 ước đạt 37,3 tỉ USD, tăng 3,6% so với cùng kì năm ngoái; trong đó, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10,24 tỉ USD, tăng 20,5%. 

Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã vượt xa kết quả cả năm 2018 và sớm về đích so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 11 tỉ USD.

Hiện xuất khẩu lâm sản chiếm tỉ trọng 27,5% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,64 tỉ USD, tăng 19,7%; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD, tăng 37% so cùng .

451c7cecba34436a1a25

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những ngành hàng đạt kết quả nổi bật trong năm 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Trong khi xuất khẩu lâm sản có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp năm 2019 thì các mặt hàng nông sản chính, thủy sản đều có sự sụt giảm kim ngạch so với cùng

Cụ thể, 11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản chính ước đạt 17 tỉ USD, giảm 5,2% so với cùng

Bức tranh xuất khẩu nông sản 2019: Khả quan trong bối cảnh nhiều biến động - Ảnh 2.

Nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 11 tháng qua. Thiết kế : Alex Chu.

Cùng đà giảm của nông sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng cũng ước đạt 7,9 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kì.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Mỹ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%. 

Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm nêu trên là do biến động của thị trường xuất khẩu nông sản năm 2019, rõ nhất là nhìn từ mặt hàng gạo, rau quả và thủy sản. 

Trong đó, mặt hàng gạo và rau quả chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ những thay đổi của thị trường Trung Quốc - vốn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. 

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 66,7% so với cùng kì; rau quả giảm 14,5% so với cùng kì. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nguyên nhân sụt giảm là Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng hạn chế thương mại tiểu ngạch, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời siết chặt các qui định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các quy định kĩ thuật khác như tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng. 

Theo đó, mọi thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải tuân thủ qui định quản lí, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói. Trước đó, từ tháng 4/2019, Trung Quốc yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu. 

Ngoài ra, siết chặt quản lí danh mục hàng hóa thực phẩm nhập khẩu quản lí danh sách cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc khi có chứng thư xuất khẩu… 

Ðối với thủy sản ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, kim ngạch giảm phần lớn là do hai mặt hàng chính là tôm và cá tra đều chịu sự thụt lùi về giá trị so với năm 2018

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra giảm 9%; xuất khẩu tôm giảm 6,4% so với cùng . Dự báo, xuất khẩu tôm cả năm 2019 chỉ đạt khoảng 3,4 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2018. 

Nguyên nhân chính là do xuất khẩu tôm sang thị trường EU, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam tăng trưởng dương duy nhất trong tháng 7/2019, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm. 

Trong 10 tháng năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 580,8 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng năm trước.

Không ngừng mở rộng thị phần, xuất khẩu nông sản 2019 dự kiến tăng 3,2%

Trong năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ngừng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng dư địa xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản ra thị trường quốc tế.

Đồng thời nhiều khó khăn của một số thị trường truyền thống về xuất nhập khẩu hàng hóa như Trung Quốc, Mỹ, EU… đã được tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đặc biệt, Việt Nam đã khơi thông được thị trường, chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Cụ thể, trong tháng 10/2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường khổng lồ này.

Cũng trong tháng 10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán thành công với cơ quan có thẩm quyền của Hong Kong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt heo mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam theo thứ tự ưu tiên gồm sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi; và sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen… 

Ðối với lĩnh vực thủy sản, đã có tổng số 701 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. 

Ngoài ra Mỹ đã chính thức công nhận Việt Nam tương đương về kiểm soát an toàn thực phẩm với cá tra, mở ra triển vọng lớn để các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ. Cùng với đó, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.

8d80a02169f990a7c9e8

Hơn 700 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: Như Huỳnh.

Với lợi thế trái cây vùng nhiệt đới, nhiều loại hoa quả có giá trị của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, vải… đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc....

Theo đó, trong năm 2019, lô xoài đầu tiên của nước ta đã được xuất khẩu sang Mỹ và lô nhãn Việt đầu tiên được xuất hiện tại thị trường Australia, thu hút đông đảo người tiêu dùng…

Theo dự tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ tích cực khai mở thị trường xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỉ USD, tăng 3,2% so với với năm 2018. 

Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 9,9 tỉ USD, cao hơn 1,12 tỉ USD so với năm 2018.

Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỉ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều.

Về tốc độ tăng toàn ngành nông nghiệp cũng sẽ đạt khoảng 2,2%, trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%.

Giải pháp cho những bước chuyển mình tiếp theo

Có thể thấy, nếu như lâu nay, chúng ta vẫn mặc định các thị trường khó tính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia …, còn Trung Quốc là thị trường dễ tính, thì với sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019 đã chứng minh cho những đòi hỏi gắt gao về chất lượng của thị trường này. 

Do đó theo các chuyên gia nếu Việt Nam muốn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường tiềm năng và rộng lớn này, chất lượng phải được đo lường một cách cụ thể, chi tiết thông qua việc thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu của phía đối tác về rất nhiều yếu tố như nhãn mác, bao bì, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lí, truy xuất nguồn gốc. 

Ðây là điều không dễ dàng đối với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, bởi lâu nay chúng ta sản xuất thiên về số lượng và xuất khẩu thô là chủ yếu. 

Chính vì vậy, những biến động trong thị trường xuất khẩu năm 2019 như một hồi chuông cảnh báo, đã đến lúc phải quyết liệt thay đổi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hay các tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường nhập khẩu.

Bức tranh xuất khẩu nông sản 2019: Khả quan trong bối cảnh nhiều biến động - Ảnh 4.

Thiết kế: Alex Chu.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng để nắm bắt cơ hội, Việt Nam ngoài việc cần đẩy nhanh việc đăng kí mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường châu Âu và các thị trường khó tính khác.

948457eb9a33636d3a22

Một trong những vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản xuất khẩu. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng thời các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu, đồng thời tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực xuất khẩu.

Thứ hai là tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời cũng là để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. 

Thực tế, bài toán thị trường này cũng có rất nhiều hướng giải quyết khác nhau thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao. 

Tuy nhiên, lượng nông sản được phép gia nhập vào các thị trường khó tính này còn rất ít và luôn trong tình trạng khó đáp ứng được các đơn hàng ổn định về dài hạn.

Trước vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. 

Các ngành hàng tổ chức sản xuất đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lí đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.

Đồng thời Bộ tiếp tục xử lí các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản sang: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Brazil và theo dõi tình hình tiêu thụ nông sản tại các cửa khẩu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thị trường, ổn định nguồn cung nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới...

Như Huỳnh