|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bức tranh margin nửa đầu 2021: CTCK bơm thêm tỷ USD quý II, đẩy mạnh cho vay nhờ vốn ngân hàng và phát hành thêm

09:30 | 26/07/2021
Chia sẻ
Thống kê tính đến ngày 30/6, tổng giá trị cho vay margin của 50 công ty chứng khoán vào khoảng 126.344 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng trong quý II. Trong đó, 20 CTCK cho vay margin nhiều nhất đang có dư nợ là 112.518 tỷ đồng.

Cho vay margin tăng thêm hơn 1,1 tỷ USD trong quý II

Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch bùng nổ trong nửa đầu năm 2021 khi lượng tiền lớn từ công chúng đổ vào. Nửa đầu năm nay, số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam tăng thêm 623.230 tài khoản, cao hơn 57,2% so với cả năm 2020. Lượng tài khoản mới này cũng cao hơn những gì đạt được trong cả năm 2019 và 2020.

Đóng cửa tháng 6, VN-Index ở 1.408,35 điểm, tăng 27,6% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 19.639 tỷ đồng, tăng 198,44% so với thanh khoản năm 2020. Đáng nói, trong tháng 5 và 6, những phiên giao dịch với giá trị khớp lệnh trong khoảng 1 - 1,5 tỷ USD trở nên quen thuộc với thị trường. 

Khi giá trị giao dịch được đẩy lên cao, đồng nghĩa nhu cầu vay ký quỹ (margin) của các nhà đầu tư cũng gia tăng. Thống kê của người viết tính đến ngày 30/6, tổng giá trị cho vay margin của 50 công ty chứng khoán vào khoảng 126.344 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng trong quý II. 

Bức tranh margin nửa đầu 2021: Bơm thêm tỷ USD quý II, mạnh tay cho vay nhờ vốn ngân hàng và phát hành thêm - Ảnh 1.

Cho vay margin tại các công ty chứng khoán. Nguồn: HL tổng hợp.

Trong đó, 20 CTCK cho vay margin nhiều nhất đang có dư nợ là 112.518 tỷ đồng. Qua so sánh, lượng margin tại các đơn vị này đã tăng thêm 20.600 tỷ đồng trong quý II, cao hơn mức 15.424 tỷ đồng của quý I.

Như vậy, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đáy vào đầu tháng 4/2020 và trải qua chuỗi ngày giao dịch thăng hoa, nhu cầu vay margin đã tăng trưởng mạnh. Riêng tại 20 công ty lớn nhất, giá trị này tăng thêm khoảng 66.400 tỷ đồng (2,8 tỷ USD).

Chứng khoán SSI vượt Mirae Asset cho vay margin lớn nhất thị trường

Bức tranh margin nửa đầu 2021: Bơm thêm tỷ USD quý II, mạnh tay cho vay nhờ vốn ngân hàng và phát hành thêm - Ảnh 2.

Dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán tính đến ngày 30/6/2021. Nguồn: HL tổng hợp.

Qua quan sát, lượng tiền bơm thêm cho vay margin trong nửa đầu năm nay chủ yếu từ các CTCK lớn. Thống kê cho thấy, có 14 đơn vị tăng giá trị cho vay margin thêm nghìn tỷ đồng 6 tháng đầu năm. Ba đơn vị tăng trưởng cho vay margin mạnh nhất thị trường đều là công ty nội là SSI (6.527 tỷ đồng), VNDirect (4.230 tỷ đồng) và TCBS (4.110 tỷ đồng).

Tại nhóm công ty nước ngoài, Mirae Asset (Việt Nam) và KIS Việt Nam là hai đại diện nằm trong Top10 đơn vị có sự tăng trưởng cho vay margin mạnh nhất thị trường. Giá trị cho vay ký quý của Mirae Asset (Việt Nam) và KIS Việt Nam tăng 2.975 tỷ đồng và 1.580 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Với việc đẩy mạnh giải ngân trong quý II vừa qua, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) vươn lên trở thành đơn vị cho vay margin lớn nhất thị trường. Tại ngày 30/6, tổng giá trị cho vay ký quỹ của SSI là 15.539 tỷ đồng, mức kỷ lục của công ty này. Theo sau đó, Mirae Asset (Việt Nam) có dư nợ margin 13.336 tỷ đồng. 

Top5 công ty cho vay margin lớn nhất thị trường còn có Chứng khoán HSC (Mã: HCM), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) và Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), với giá trị lần lượt là 9.169 tỷ đồng, 8.534 tỷ đồng và 8.137 tỷ đồng.

Bức tranh margin nửa đầu 2021: Bơm thêm tỷ USD quý II, mạnh tay cho vay nhờ vốn ngân hàng và phát hành thêm - Ảnh 3.

10 công ty tăng trưởng cho vay margin mạnh nhất trong nửa đầu năm 2021. Nguồn: HL tổng hợp.

Theo dõi hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán cho thấy, các công ty đẩy mạnh cho vay thông qua hai nguồn vốn. Thứ nhất là huy động vốn từ các định chế tài chính, đặc biệt nguồn quốc tế. Nguồn thứ hai là phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. 

Nhóm huy động vốn thông qua nguồn tài trợ từ các ngân hàng như SSI, TCBS, SHS. Đơn cử, trong nửa đầu năm nay, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) được Ngân hàng SHB cho vay thêm gần 1.500 tỷ đồng. Tương tự, TCBS cũng vay thêm các ngân hàng hơn 2.800 tỷ đồng. Trường hợp của SSI, công ty huy động thông qua các tổ chức quốc tế vào cuối năm 2020.

Ngoài nguồn vốn vay, các công ty đẩy mạnh cho vay margin thông qua việc tăng vốn bằng phát hành cổ phần cho cổ đông như VNDirect hay KIS Việt Nam.

Chiều ngược lại, một số công ty có dấu hiệu "cạn tiền" cho vay ký quỹ khi chạm ngưỡng trần, hết room cho vay. Theo quy định, các công ty chỉ được cho vay ký quỹ giá trị gấp hai lần vốn chủ sở hữu. 

Trong khi đó, tại ngày 30/6, tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu tại một số công ty vượt ngưỡng 180% như HSC, Yuanta Việt Nam, Phú Hưng, Mirae Asset (Việt Nam). Với quy định giới hạn trên, tăng trưởng cho vay margin tại một số công ty trong quý II thấp hơn 300 tỷ đồng như HSC, Yuanta Việt Nam. 

Hoàng Linh