Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang sở hữu bao nhiêu lô đất?
CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Mã: RAL) tiền thân là nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng năm 1958. Đây là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo Quyết định của Chính phủ.
Tháng 7/2004, nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với số vốn điều lệ ban đầu là 79,15 tỉ đồng, sau đó tăng lên thành 115 tỉ đồng (tại ngày 30/6/2019).
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, thủy tinh và phích nước và các thiết bị phụ trợ khác.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, doanh thu thuần của Rạng Đông đạt 3.621 tỉ đồng (tăng 10,7% so với năm 2017), lợi nhuận sau thuế hơn 204 tỉ đồng.
Quí 2/2019, doanh thu thuần của RAL đạt 795 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 44,4 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái.
Hết quí II/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt gần 2.782 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn, chiếm 89%, gồm tiền và các khoản tương đương tiền và hàng tồn kho. Giá trị tài sản dài hạn chủ yếu nằm ở tài sản cố định bao gồm máy móc thiết bị và nhà xưởng, vật kiến trúc…
Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, Rạng Đông hiện đang sở hữu mạng lưới hàng nghìn cửa hàng phân phối. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn sở hữu khối bất động sản có giá trị.
Đất "vàng" hiếm hoi chưa biến thành cao ốc
Hiện tại, Rạng Đông đang đang sở hữu khu đất "vàng" diện tích 5,7 ha tại số 87 - 89 Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy của Rạng Đông. Vị trí này gần khu "Cao - Xà - Lá" (gồm Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long) và giầy Thượng Đình.
Công ty đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất.
Khu đất "vàng" của Rạng Đông khá gần với khu "Cao - Xà - Lá". (Ảnh: Google Maps)
Trong khi đó, khu "Cao - Xà - Lá" từng được mệnh danh là tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời, niềm tự hào của Thủ đô những năm 70 - 90. Được biết, khu đất này hiện đang được Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp siêu đô thị lớn với qui mô 11 ha.
Còn tại số 227 Nguyễn Trãi, Giầy Thượng Đình đang lên kế hoạch di dời nhà máy ra khỏi khu đất "vàng" này. Nguyên nhân là do việc sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi do chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất và chi phí khấu hao.
Đáng chú ý, tháng 9/2018, Rạng Đông thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh. Theo đó, công ty bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo Chứng khoán BSC, giá trị khu đất hiện không được hạch toán như một tài sản của công ty. Nếu chuyển nhượng khu đất, Rạng Đông có thể thu được lãi.
Trước đó, từ năm 2010, Hà Nội có kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội.
Thủ tướng cũng có Quyết định cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh thì được phép liên doanh với pháp nhân có chức năng và thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tiếp đó, tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Thực hiện chủ trương trên, UBND TP Hà Nội đã có những động thái dứt khoát, mạnh mẽ thúc đẩy nhanh quá trình di dời, nhằm phân giải áp lực dân cư cũng như áp lực giao thông cho Thủ đô.
Cụ thể, thành phố xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời.
Sự số cháy lớn vừa xảy ra tại khu nhà xưởng sản xuất của Rạng Đông cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc chậm di dời nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô.
Sở hữu nhà máy thứ 2 và loạt lô đất có tổng giá trị quyền sử dụng đất gần 31,6 tỉ đồng
Được biết, ngoài cơ sở trong nội thành Hà Nội, Rạng Đông còn có nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh. Diện tích đất ban đầu của KCN này là 6,2 ha, được đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp xây dựng từ năm 2006 đến cuối 2008. Đến năm 2015, Rạng Đông đầu tư thêm 2 ha, nâng tổng diện tích lên 8,2 ha.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019, Rạng Đông đang sở hữu khối tài sản bao gồm các mảnh đất có giá trị tại nhiều tỉnh thành.
Cụ thể, tại ngày 30/6, giá trị quyền sử dụng đất Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh là 19.400 tỉ đồng (thời gian khấu hao 38 năm kể từ năm 2016). Bên cạnh đó, giá trị quyền sử dụng đất tại Nhà máy Bắc Ninh là hơn 4,8 tỉ đồng (thời gian khấu hao 50 năm kể từ năm 2005).
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có quyền sử dụng đất không thời hạn tại 7 khu đất có tổng giá trị hơn 7,3 tỉ đồng, nằm ở các TP HCM, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Tiền Giang, Biên Hòa và Nha Trang.
Tổng cộng giá trị quyền sử dụng đất này của Rạng Đông đạt gần 31,6 tỉ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên RAL
Vào khoảng 18h30 tối 28/8, cháy lớn đã bùng lên tại khu nhà xưởng sản xuất của Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) ở địa chỉ 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vụ cháy được khống chế sau gần 6 giờ bùng phát gây thiệt hại về cơ sở vật chất, hàng hoá, tài sản của công ty.
Ngày 29/8, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã có thông báo sau sự cố hỏa hoạn ngày 28/8. Công ty cho biết vụ hỏa hoạn xảy không gây thiệt hại về người, song thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 150 tỉ đồng, tức dưới 5% tài sản công ty.