Cổ phiếu lao dốc sau hỏa hoạn, kịch bản có lặp lại với Bóng đèn Phích nước Rạng Đông?
Tối qua (28/8), tại CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Mã: RAL) xảy ra vụ cháy tại khu xưởng sản xuất. Theo ghi nhận, vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 18h20; gần 23h30, lửa bắt đầu được khoanh vùng, khống chế và dập tắt.
Như phản ánh của Vietnamnet lúc 22h30 tối qua, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết không có thiệt hại về người trong vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, vụ cháy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Chữa cháy tại nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Trần Thanh
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại kinh tế sau vụ cháy, trong đa số trường hợp tương tự trong lịch sử, cổ phiếu của công ty thường diễn biến kém tích cực sau khi bị 'bà hỏa' ghé thăm.
Cổ phiếu NBB mất 1/3 giá trị sau vụ cháy chung cư Carina
Gần đây nhất, vụ cháy tại chung cư Carina xảy ra rạng sáng ngày 23/3/2018 khiến giá cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy giảm kịch sàn ngay sau đó, xuống còn 23.750 đồng/cp, tương đương mức giảm 1.750 đồng/cp.
Trong những phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu này tiếp tục có 3 phiên 'nằm sàn' và 4 phiên giảm giá liên tục. Giá cổ phiếu rơi xuống còn 17.200 đồng/cp, mất hơn 32,5% giá trị. Cùng với đó, vốn hóa thị trường
Đáng chú ý, trong ba phiên giảm sàn đầu tiên của cổ phiếu NBB, thanh khoản ở mức rất thấp khiến nhà đầu tư không thể cắt lỗ khi đang nắm giữ cổ phiếu này. Tại phiên giảm sàn thứ tư, lực cầu bắt đáy xuất hiện tại vùng giá 19.200 đồng/cp, khi đó, NĐT mới có thể bán ra.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, giá cổ phiếu NBB ở 20.000 đồng/cp, thấp hơn 20% so với thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư Carina.
Diễn biến giá cổ phiếu kể từ khi cháy Chung cư Carina đến nay. Nguồn: VNDirect
Cổ phiếu TCM mất gần 6% giá trị sau vụ cháy kho vải
Trong một trường hợp khác, cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng giảm nhẹ sau vụ cháy kho vải. Chiều tối ngày 16/9/2017, kho vải của công ty tại số 2 đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM) đã gặp lửa và bốc cháy lớn.
Trong phiên giao dịch sau đó vào ngày 18/9/2017, cổ phiếu TCM giảm sàn từ 30.300 đồng/cp xuống còn 28.200 đồng/cp ngay trong phiên ATC với khối lượng bán ra hơn 1 triệu đơn vị. Lực cầu bắt đáy, giúp giá cổ phiếu TCM phục hồi ngay trong phiên, không xảy ra hiện tượng 'múa bên trăng' như cổ phiếu NBB.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm đó, giá cổ phiếu TCM ở 28.600 đồng/cp, tương đương mức giảm 5,61%. Thanh khoản cao đột biến với gần 3,4 triệu cp được khớp lệnh.
Trước đó, cổ phiếu TCM có chuỗi 4 phiên tăng giá liên tục từ 28.600 đồng/cp ngày 12/9/2017 lên 30.300 đồng/cp ngày 16/9/2017. Như vậy, việc 'bà hỏa' ghé thăm đã chặn đứng chuỗi phiên tăng giá của cổ phiếu TCM.
Trong những phiên giao dịch sau đó, giá cổ phiếu TCM có xu hướng giảm, thời điểm giảm xuống mức thấp nhất là 24.000 đồng/cp ngày 14/11/2017, mất gần 20% giá trị so với thời điểm trước vụ hỏa hoạn xảy ra.
Cháy nhà xưởng mới, cổ phiếu INN bị 'gãy' xu hướng tăng
Cũng trong năm 2017, vào ngày 14/1, tại chi nhánh CTCP Bao bì và In nông nghiệp (Mã: INN) đã xảy ra sự cố hỏa hoạn tại khu nhà xưởng đang xây dựng và lắp đặt vận hành máy móc đầu tư mới. Ước tính thiệt hại ban đầu của công ty tại thời điểm đó là 70 tỉ đồng.
Phản ứng ngay sau vụ hỏa hoạn, cổ phiếu INN có hai phiên giảm sàn khiến giá cổ phiếu giảm từ 69.500 đồng/cp xuống còn 56.400 đồng/cp, mất hơn 18,8% giá trị. Trong những phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu INN giao dịch lình xình. 7 tháng sau đó, cổ phiếu INN mới có thể trở về vùng giá trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn.
Ghi nhận tại phiên giao dịch ngày 11/8/2017, giá cổ phiếu tăng lên mức cao nhất là 70.400 đồng/cp. Sau khi trở lại vùng đỉnh, cổ phiếu INN liên tục lao đốc xuống vùng giá thấp nhất trong ba năm vào tháng 1 năm nay.
Cháy kho, NĐT không 'cháy' tài khoản với cổ phiếu NST nhờ thanh khoản thấp
Cách đây 4 năm về trước, ngày 19/8/2015, kho hàng hóa của CTCP Ngân Sơn (Mã: NST) gặp hỏa hoạn, gây thiệt hại các loại nguyên liệu thuốc lá lá, thuốc lá đã tách cọng và tài sản là kho chứa với giá trị gốc ước tính được ghi nhận khoảng 309 tỷ đồng, bao gồm giá trị hàng hóa và tài sản của Công ty và khách hàng gửi kho.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ cháy, cổ phiếu NST của Ngân Sơn không có nhiều biến động do đây là mã có thanh khoản thấp chỉ với vài trăm đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Do đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu NST không có nhiều.
Mặc dù không có tác động tiêu cực trên thị trường chứng khoán, như vụ hỏa hoạn tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của Ngân Sơn.
Theo báo cáo tài chính của công ty, tại thời điểm 31/12/2015, giá trị hàng tồn kho thành phẩm của Ngân Sơn giảm từ gần 230 tỉ đồng đầu năm xuống còn 8,6 tỉ đồng.
Giá trị hàng tồn kho của Ngân Sơn sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn ngày 19/8/2015.
Cùng với đó, Ngân Sơn chịu chi phí khác liên quan đến vụ hỏa hoạn lên tới 112,4 tỉ đồng, mặc dù công ty nhận bồi thường 50 tỉ đồng từ Bảo hiểm Bảo Minh.
Nguồn: BCTC Ngân Sơn
Việc chịu lỗ khác hơn 61 tỉ đồng khiến công ty báo lỗ sau thuế hơn 25 tỉ đồng trong năm 2015. Đây là năm đầu tiên Ngân Sơn báo lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 2006.
Điểm qua những sự kiện trong lịch sử có thể thấy việc 'bà hỏa' ghé thăm các doanh nghiệp sẽ tác động không nhỏ đến cổ phiếu trên thị trường và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch sáng nay, người viết tiếp tục cập nhật diễn biến giá cổ phiếu RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.