|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BofA cảnh báo: Nhà máy ở Việt Nam đóng cửa có thể tác động lâu hơn đến các nhà bán lẻ thế giới

08:04 | 16/11/2021
Chia sẻ
Theo các nhà phân tích của BofA Securities, tác động của đợt giãn cách kéo dài tại Việt Nam đối với các nhà bán lẻ quần áo và giày dép quốc tế có thể tồi tệ hơn so với dự đoán ban đầu, dự kiến kéo dài sang năm 2022.

Trong một báo cáo gửi khách hàng hồi cuối tuần trước, hãng nghiên cứu BofA Securities (thuộc ngân hàng Bank of America) nhận định, sự phục hồi hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam sẽ diễn ra chậm hơn so với dự đoán của các công ty bán lẻ, khả năng cao là kéo dài sang năm 2022.

BofA nhấn mạnh, các doanh nghiệp quốc tế đang quá lạc quan về triển vọng phục hồi tại Việt Nam. Hãng nghiên cứu này đã đưa ra một số căn cứ cho lưu ý mới, trong đó có việc mở cửa kinh tế ở miền nam nước ta - nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất hàng may mặc và giày dép, diễn ra chậm hơn nhiều so với miền bắc.

Việt Nam đã trải qua làn sóng COVID thứ 4 từ khoảng cuối tháng 4 đến nay, nghiêm trọng nhất là trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 8. Nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội để kiểm soát đại dịch.

Các biện pháp chống dịch đã giáng một đòn mạnh vào khá nhiều công ty quốc tế như Adidas và Nike, các doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nước ta để sản xuất giày và quần áo thể thao phục vụ cho thị trường phương Tây.

Từ đầu tháng 10, hoạt động sản xuất đã bắt đầu khôi phục trở lại, nhưng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước khác, BofA nói thêm.

BofA cảnh báo: Việc đóng cửa nhà máy ở Việt Nam có thể tác động lâu hơn đến các nhà bán lẻ - Ảnh 2.

Một cơ sở sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam. (Ảnh: AFP).

Chuyên gia kinh tế Mohamed Faiz Nagutha của BofA cho hay: "Hoạt động sản xuất thực sự đã phục hồi nhanh chóng vào năm ngoái sau một đợt gián đoạn ngắn. Song, lần này các nhà máy tại Việt Nam cần phải mất nhiều thời gian hơn để bình ổn trở lại, có thể kéo dài đến khoảng 6 tháng".

CNBC dẫn lời ông Nagutha lưu ý thêm rằng các quy định vận hành nhà máy hiện tại ở Việt Nam vẫn còn tương đối nghiêm ngặt và phức tạp, có thể cản trở công nhân quay trở lại làm việc.

"Tựu chung lại, chúng tôi dự đoán các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn khi tái khởi động lại, bao gồm khả năng thiếu lao động kéo dài, giá nguyên liệu thô tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng ở nhiều khu vực khác của châu Á", ông Nagutha kết luận.

Puma đã cảnh báo rằng những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở Việt Nam, sẽ khiến sản phẩm của công ty bị thiếu hụt cho đến năm 2022. Tuần trước, Adidas đã hạ triển vọng kinh doanh năm 2021 do gián đoạn nguồn cung ứng.

Vấn đề sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ xuất hiện tại nhiều cuộc họp trong tuần này, khi các nhà bán lẻ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh hàng quý. Một số cái tên có thể kể đến như hai chuỗi bách hóa Kohl's và Macy's, chuỗi bán lẻ Walmart và Target, và hai thương hiệu Victoria Secret và Foot Locker.

Trước báo cáo của BofA, Reuters từng đưa tin rằng một số công ty dệt may và da giày lớn đang dần dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Việt Nam và Trung Quốc đến các nước gần thị trường Mỹ và châu Âu hơn, do lo ngại về rủi ro khi đặt chuỗi cung ứng ở châu Á.

Đơn cử, Mango - hãng bán lẻ thời trang Tây Ban Nha, cho biết họ đang tăng cường sản lượng tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và Bồ Đào Nha. Năm 2019, Mango chủ yếu nhập nguồn hàng từ Trung Quốc và Việt Nam. Chia sẻ với Reuters, hãng này khẳng định họ sẽ mở rộng đáng kể số lượng cơ sở sản xuất tại châu Âu vào năm 2022.

Công ty bán lẻ giày dép Steve Madden của Mỹ vừa thông báo rút lui khỏi Việt Nam và chuyển 50% sản lượng giày từ Trung Quốc sang Brazil và Mexico. Còn nhà sản xuất dép cao su Crocs tháng trước cho biết sẽ chuyển dây chuyền sang Indonesia và Bosnia.

Khả Nhân