|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gói phục hồi kinh tế cần tính đến khả năng hấp thụ vốn, tránh lạm phát tăng cao

07:22 | 16/11/2021
Chia sẻ
Ba bộ trưởng, trưởng ngành kế hoạch - đầu tư, tài chính và ngân hàng đều có quan điểm chung về việc phải có gói kích cầu để hỗ trợ kinh tế nhưng tránh làm rủi ro vĩ mô và lạm phát, trong khi cần song hành với cải cách thể chế trong lĩnh vực phụ trách.

Sau hai năm chịu tác động của làn sóng dịch COVID-19, thể hiện rõ nhất là khi GDP quý III giảm xuống -6,17%, và tại thời điểm này, thông tin về chương trình phục hồi kinh tế sẽ có quy mô bao nhiêu, được thực hiện vào thời điểm nào,... là điều mà hàng trăm doanh nghiệp, người dân đang quan tâm, chờ đợi.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về chương trình phục hồi kinh tế. Trong phần giải trình thêm của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã thông tin phần nào về quy mô cũng như các vấn đề liên quan tới chương trình phục hồi.

Dự kiến kéo dài 2 năm và sẽ trình Quốc hội cuối năm nay

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Về thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023). Và nếu được thông qua trong kỳ họp cuối năm nay, chương trình sẽ thực hiện ngay đầu năm 2022 để phục hồi và phát triển nhanh nền kinh tế.

Gói phục hồi kinh tế qua chia sẻ của 3 Bộ trưởng: Chương trình kéo dài hai năm; Đưa 1 triệu tỷ vào nền kinh tế qua hỗ trợ lãi suất... - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP).

Về quan điểm trong xây dựng chính sách, Bộ trưởng cho rằng cần "mạnh dạn hơn" để phục hồi và phát triển kinh tế, vừa duy trì tăng trưởng, tăng GDP, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn nợ công, bội chi ngân sách.

Công cụ quan trọng nhất, theo Bộ trưởng, là theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, nợ xấu, điều hành linh hoạt cung tiền, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với gói hỗ trợ sắp ban hành, Chính phủ phải rút kinh nghiệm từ được gì và chưa được gì của gói kích cầu đầu tư năm 2008-2009 để phát huy được những mặt tốt, tránh được những khiếm khuyết của chương trình lúc đó.

Gói kích thích đầu tư trước đây tập trung chủ yếu vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là ba mục tiêu lớn nhất của chương trình lúc đó, giúp đất nước vượt qua được khủng hoảng. Quy mô khi đó nước ta dành ra 122.000 tỷ đồng, tương ứng với 6,9 tỷ USD.

"Gói kích thích này cũng đưa tới nhiều hạn chế, bất cập. Các chính sách khi đó mới chủ yếu tập trung về phía cung. Doanh nghiệp rất khó khăn về đầu ra, tức là sản xuất xong không biết bán đâu", ông nói.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lãi suất lớn trong những năm 2008-2009 thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và tài khóa, do đó làm giảm hiệu quả.

Điều đó cũng dẫn đến trục lợi chính sách, có nghĩa là vay từ nguồn vốn rẻ này rồi gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch. Vốn lại không chảy vào sản xuất mà lại chảy vào chứng khoán và bất động sản.

Bên cạnh đó, gói kích thích năm 2008-2009 dẫn đến nhiều ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao. Bộ trưởng dẫn thông tin năm 2010 lạm phát 9,2% và năm 2011 lạm phát là 18,6%. Đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí và nhiều dự án đến năm 2011 phải dừng và đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất chưa quyết toán được đã để lại các ảnh hưởng rất lớn.

Dự kiến hỗ trợ lãi suất để đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Mặc dù không tiết lộ về quy mô thực sự của chương trình phục hồi kinh tế, song Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đang bàn luận và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng có những giải trình về các công cụ tài khóa để thực hiện cho chương trình hỗ trợ nền kinh tế cũng như nguồn lực của gói hỗ trợ sắp tới.

Gói phục hồi kinh tế qua chia sẻ của 3 Bộ trưởng: Chương trình kéo dài hai năm; Đưa 1 triệu tỷ vào nền kinh tế qua hỗ trợ lãi suất... - Ảnh 2.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. (Ảnh: VGP).

Về thu ngân sách, trong thời gian tới ông Phớc cho biết Bộ tiếp tục đề nghị Chính phủ, Quốc hội thực hiện chính sách thuế như năm 2021. Ví dụ giãn, hoãn thuế như năm 2021 (giãn hoãn đến 31/12 khoảng 115.000 tỷ đồng); giảm 30 loại phí; giảm giá xăng dầu, thuế của hàng không 50% (trước đây giảm 30%); miễn, giảm 30% thuế VAT, 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế của hộ sản xuất kinh doanh, miễn phạt tiền chậm nộp...

Để bù đắp thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết những Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thu trên nền tảng số và sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó là phát hành hóa đơn điện tử để tránh hóa đơn giả, tránh hoàn thuế trục lợi, trốn thuế... Thực hiện các khoản thu trong chuyển nhượng bất động sản, chống chuyển giá, trốn thuế.

Chia sẻ quan điểm liệu có tăng trần nợ công để tạo dư địa cho chính sách phục hồi hay không. Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu tính theo GDP cũ thì năm 2021, nợ công là 56,8%, vẫn dưới 60% nhưng đã vượt ngưỡng cảnh báo 55%. Theo ông, đây là một vấn đề phải cân nhắc.

Thứ hai, dư nợ Chính phủ là 51,5% nếu tính theo GDP cũ, còn GDP mới (GDP đánh giá lại) là 40,5% và dư nợ là 44,7%. Dư nợ của năm 2021, nợ công khoảng 3,750 triệu tỷ đồng và nợ Chính phủ khoảng 3,397 triệu tỷ đồng.

"Chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, nhưng các gói này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. Tăng bội chi ngân sách 2022, 2023 nhưng giảm các năm tiếp theo và làm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phớc nói.

Về thực hiện các gói kích cầu, Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ, tức trong năm 2022-2023 là 40.000 tỷ với lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 4% thì chúng ta sẽ huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng để bỏ vào nền kinh tế.

Khoản này không làm tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công bởi nguồn này sẽ được lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ 2021-2024 cho nên sẽ không bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết cũng đang tính toán một số gói khác như phát hành trái phiếu chính phủ hoặc là phát hành công trái, trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Đối với gói này chúng ta huy động khoảng 180.000 tỷ. Như vậy, mỗi năm cũng sẽ chỉ tăng bội chi ngân sách 1%.

Liên quan đến chi ngân sách, ông cho biết, sẽ tiếp tục cắt giảm 10% so với định mức mà Thường vụ Quốc hội ban hành. Trong quá trình điều hành sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 10% nữa và tiết kiệm 5% chi tiếp khách, chi công tác phí trong nước và ngoài nước.

Rủi ro lạm phát 2022 rất lớn

Trả lời câu hỏi liệu còn dư địa để giảm lãi suất tiếp, giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn chi phí hợp lý và phục hồi kinh tế hay không, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, theo bà Hồng, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. “Việc đảm bảo mục tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn", bà Hồng nói.

Gói phục hồi kinh tế qua chia sẻ của 3 Bộ trưởng: Chương trình kéo dài hai năm; Đưa 1 triệu tỷ vào nền kinh tế qua hỗ trợ lãi suất... - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP).

Theo bà Hồng, khi kinh tế thế giới phục hồi, giá một số mặt hàng tăng vọt, ví dụ giá xăng dầu trong tháng 9 tăng 55,2% so với cuối năm trước. Ở các nước phát triển, lạm phát đã tăng lên ở mức cao nhất trong lịch sử, với Mỹ đã tăng 5,3% trong tháng 9 vừa qua.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu rủi ro lạm phát nhập khẩu. Bà cũng nhấn mạnh các ngân hàng trung ương trên thế giới đang dừng việc nới lỏng chính sách tiền tệ và có tới 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.

"Chính vì thế, áp lực lạm phát và áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là rất lớn", Thống đốc NHNN nhắc lại.

Ngoài ra, Thống đốc cho biết nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang gia tăng. Thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng, các TCTD phải sử dụng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu.

"Nếu chúng ta để các TCTD bị suy giảm, điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả cho người dân và an toàn hệ thống. Đây là bài học rất lớn từ thời gian trước đây, khi tăng trưởng tín dụng cao và thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008", bà Hồng phát biểu.

Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất. Song, vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động dây chuyền.

Đồng thời NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư để tính toán gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, đối tượng hợp lý trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc băn khoăn việc liệu nền kinh tế có hấp thụ được tiền không khi Chính phủ tung ra các chương trình hỗ trợ. Ông cho rằng chỉ đưa được tiền vào nền kinh tế với các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư. Các dự án và công trình trọng điểm sẽ tạo đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.

"Phải lấy dự án trong điều kiện đặc biệt thì mới tiêu được tiền ở các gói kích cầu", Bộ trưởng Tài chính nói.

Phương Trang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.