|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ giải ngân 42% gói phục hồi kinh tế trong năm nay

07:43 | 08/01/2022
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong năm 2022 sẽ giải ngân 42% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phần còn lại giải ngân trong năm 2023.

Tại buổi thảo luận về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội diễn ra chiều 7/1, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là chính sách lớn, khó, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế mà cả xã hội, y tế; tác động không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn và chưa có tiền lệ. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sẽ giải ngân 42% tổng số vốn của Chương trình phục hồi trong năm nay - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP).

Nguồn vốn huy động của gói phục hồi được Chính Phủ tính toán cẩn thận trên quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, từ cải cách thuế, chống thất thu, sau đó huy động vốn nguồn trái phiếu, vay ODA và nguồn vốn nước ngoài. 

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến năm 2022 sẽ giải ngân 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại giải ngân trong năm 2023.

Đối với quy mô tổng thể và phương thức huy động, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã nghiên cứu khó khăn sản xuất của doanh nghiệp, người dân, nghiên cứu nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực và hấp thụ của nền kinh tế. Do đó, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội có quy mô phù hợp, đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện rõ ràng.

Theo Bộ trưởng, mức giảm thuế năm 2022 được tính toán có thể thực hiện được ngay. Các lĩnh vực có thể nhận được hỗ trợ sớm gồm giao thông, cơ sở hạ tầng, y tế…

Về phân bổ và quản lý sử dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, nhất là chính sách tài khóa. Ngoài ra, cần đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của Chương trình.

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu của chính sách, Chính phủ đã nghiên cứu đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ tăng trưởng, phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế. 

Chính sách tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt tập trung vào nâng cao năng lực phòng chống dịch gắn với nâng cao năng lực, hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện, viện tuyến trung ương; giải quyết việc làm, đào tạo lao động, phục hồi du lịch... 

Tiếp đó, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu đông bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Ngoài ra, gói hỗ trợ phải phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, với quy mô tương đối lớn, thời gian tương đối ngắn, khả năng hấp thụ, đảm bảo đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra của Chương trình là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. 

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yếu tố đảm bảo cho sự thành công chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành sau khi các chính sách được Quốc hội thông qua. 

Đây là nhiệm vụ chính trị nặng nề của cả hệ thống chính trị. Chính phủ mong muốn các đại biểu Quốc hội tham gia giám sát tại địa phương trong quá trình thực hiện.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù, ngoài chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ trình Quốc hội ba cơ chế đặc thù. Đây là quy định mới, chưa có trong luật nên Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm đối với dự án thuộc Chương trình. 

Cơ chế đặc thù sẽ giúp rút ngắn thời gian đối với công tác đấu thầu, đầu tư công; huy động sự tham gia của địa phương đối với các dự án đường cao tốc đi qua địa phương mình, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư... trên địa bàn. 

Ông Dũng khẳng định Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và huy động sự tham gia ngay từ đầu của các cơ quan chức năng để đảm bảo công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, báo cáo kết quả thực hiện sau khi kết thúc thời hạn thực hiện chính sách.

Về kiểm soát rủi ro và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, Bộ trưởng thông tin do quy mô Chương trình lớn, vì vậy, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022-2023. 

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp kiểm soát lạm phát. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra nhất là trước, trong quá trình xây dựng công trình, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia ngay từ đầu khi triển khai các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu; đẩy mạnh CNTT để bảo đảm năng suất hiệu quả, hiệu lực trong thời gian quản lý.

Phương Trang