Bộ trưởng Tài chính: Thị trường chứng khoán đang phát triển tốt, đề nghị giữ nguyên các mức đánh thuế
Tại buổi thảo luận về một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội diễn ra chiều 7/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã được mời phát biểu giải trình thêm.
Với ý kiến tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán và mặt hàng hạn chế tiêu dùng, theo Zing News, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán.
Đối với bất động sản thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua - bán.
Bộ trưởng cho rằng “thị trường chứng khoán đang tốt”, năm ngoái đã huy động được 7,7 triệu tỷ đồng, tương đương 92% GDP năm 2021, là mức kỷ lục.
“Chúng tôi đề nghị giữ nguyên các mức đánh thuế này, có siết thì siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế”, ông nói.
Với thu thuế trên các nền tảng số, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường thu và tránh thất thu. Với doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài sẽ thu theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bộ trưởng Tài chính cũng thông tin thêm năm 2022, dự kiến số giảm thuế sẽ vào khoảng 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021.
Giải trình thêm về mức đề xuất giảm thuế VAT 2%, chứ không phải là cao hơn, ông cho biết mức giảm thuế 2% cho các mức thu 10% là phù hợp, khi Chính phủ đề xuất không giảm thuế cho các ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… Khoản này ước tính giảm khoảng 4.400 tỷ.
Ông Phớc cũng đưa ra giải thích về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT. Bộ trưởng cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi đó, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022-2023. Cụ thể:
Thứ nhất, chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, chi khoảng 53.150 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thứ tư, chi khoảng 113.850 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Giải pháp thứ năm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.