Đại biểu lo chứng khoán, bất động sản 'sốt nóng' gây bong bóng ngắn hạn, đổ vỡ trong tương lai
Tại phiên họp thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 4/1, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, đã dùng từ “yên tâm” khi nói về tờ trình của Chính phủ lần này, theo Zing News.
Ông nhấn mạnh chương trình phục hồi kinh tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi đặt ra cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại về 5 yếu tố trong chương trình phục hồi kinh tế. Thứ nhất là việc đảm bảo cân đối các nền tảng vĩ mô, đặc biệt là nợ công, nợ Chính phủ và lạm phát.
Thứ hai là vấn đề nợ xấu, nếu không thận trọng sẽ làm tăng nợ xấu, kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Thứ ba, ông Lâm quan ngại đến vấn đề đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản. Việc chứng khoán và bất động sản "sốt nóng" có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong tương lai.
“Chương trình phục hồi kinh tế chưa tung ra mà chứng khoán và bất động sản đã sốt nóng. Giá tăng không chỉ làm tạo ra bong bóng trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong tương lai”, ông Lâm cảnh báo.
Vị đại biểu Bắc Giang cũng nhấn mạnh khi giá đất tăng quá cao, doanh nghiệp cần mặt bằng kinh doanh thì phải chi trả chi phí rất cao, làm ảnh hưởng đến tính hấp dẫn đầu tư.
Dẫn kết quả một cuộc khảo sát về đất đai năm 2020, ông thông tin tỷ lệ các lô đất và căn hộ đang triển khai mới tung ra sản phẩm chỉ là 16%. Trong khi đó, mức đưa vào sử dụng mới 3%, gây ra một sự lãng phí lớn cho xã hội.
Thứ tư, ông cũng lo ngại yếu tố lãng phí, thất thoát khi tung ra các gói đầu tư công do nhiều dự án đầu tư công luôn tiềm ẩn thất thoát, tham nhũng. Khi đó nền kinh tế lại chịu hậu quả, hệ số ICOR sẽ tăng lên rất cao.
Cuối cùng, ông Lâm cho rằng khi tung ra các gói đầu tư công thì hình thức đối tác công - tư (PPP) bị bỏ rơi, hay nói cách khác, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư đang bị bỏ rơi.
Từ những lo ngại trên, vị đại biểu đề xuất cần tăng thu, giảm chi, tăng sự an toàn của các chỉ số như nợ công, nợ Chính phủ. Ngoài ra cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, tránh thất thoát, lãng phí, ngăn ngừa biểu hiện nợ xấu, đầu cơ, bong bóng chứng khoán, bất động sản.
Ông cũng đề xuất chính phủ cần có sự quan tâm tới PPP, không bỏ rơi hình thức đầu tư này.
Trước đó, tại phiên họp sáng 4/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình được áp dụng chủ yếu trong hai năm 2022-2023. Mục tiêu của chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, năm 2021 - năm đầu tiên của giai đoạn - tăng trưởng GDP là 2,58%.
Theo dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.
Thứ nhất, Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, chi khoảng 53.150 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Thứ ba, chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thứ tư, chi khoảng 113.850 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Thứ năm, Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.