|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Rất nguy hiểm nếu vay tiền đem đầu tư tài chính, bất động sản, cần làm rõ hiệu quả đầu ra của gói 350.000 tỷ

10:43 | 07/01/2022
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội lưu ý cần phải kiểm soát dòng tiền, tránh tình trạng đi vay lãi suất thấp nhưng lại không đưa vào sản xuất kinh doanh, lại để tiền đổ vào đầu tư bất động sản, chứng khoán.

Hôm nay (7/1), Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Rất nguy hiểm nếu vay tiền đem đầu tư tài chính, bất động sản 

Theo Tiền Phong, góp ý về dự thảo này, ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát dòng tiền, tránh tình trạng đi vay lãi suất thấp nhưng lại không đưa vào sản xuất kinh doanh, lại đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, điều này rất nguy hiểm, làm suy giảm nền kinh tế.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng việc miễn giảm thuế, phí là phù hợp trong bối cảnh hiện tại nhưng đại biểu Hoà đề nghị, cần quy định cụ thể đối tượng nào, doanh nghiệp nào. 

“Chúng ta nên tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan toả rộng”, ông Hoà nêu, đồng thời đề nghị giám sát chặt đối tượng vay vốn, không để xảy ra tình trạng mất vốn vì đối tượng vay không có khả năng chi trả.

“Hỗ trợ lãi suất cần tập trung cho đối tượng có tính lan toả, đặc biệt chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Hoà đề nghị.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Hoà cũng đề nghị áp dụng chính sách chi trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch, nên đầu tư y tế cơ sở, tăng thu nhập cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu.

Đại biểu lưu ý kiểm soát dòng tiền, tránh chảy vào bất động sản, chứng khoán - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Quốc hội).

Hơn 346.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế phải làm rõ hiệu quả đầu ra 

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề cập đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra của chương trình. Đại biểu cho rằng mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn, theo Zing News.

“Vấn đề hiệu quả thực tế chương trình phải đạt được là trả lời câu hỏi: Với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Và với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra?”, bà Mai đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, khi đối chiếu với nội dung nghị quyết, vấn đề này chưa được cụ thể hóa. Bà nhấn mạnh nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả.

Đại biểu Đoàn Hà Nội cũng kiến nghị cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách.

Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.

“Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cốt lõi chúng ta cần đạt được là hiệu quả thực chất”, đại biểu nói.

Phương Trang