|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính: Đầu tư 200 tỷ đồng/km cao tốc là 'hơi cao', cần tính toán lại

07:50 | 07/01/2022
Chia sẻ
Với tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km cao tốc Bắc - Nam, tức khoảng 200 tỷ đồng/km, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng mức đầu tư này "hơi cao", đề nghị xem xét lại.

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất làm thêm 729km, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.

Theo Dân trí, nêu ý kiến về tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông Nguyễn Phú Cường cho biết việc tính toán tổng mức đầu tư của dự án với suất đầu tư khoảng 200 tỷ đồng/km là "hơi cao" và đề nghị xem xét lại cách tính toán này.

Đồng tình, ông Hoàng Thanh Tùng, đoàn đại biểu Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhắc tới ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.

Theo ông Tùng, cơ quan kiểm toán đã tính toán tổng mức đầu tư cho 729 km đường cao tốc Bắc - Nam có thể là 130.605 tỷ đồng, giảm 16.330 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ. 

"Tất nhiên tổng mức đầu tư sơ bộ ở bước tiền khả thi này mang tính khái toán thôi. Nhưng cũng phải có cơ sở, tính xa quá cũng không được", ông Tùng nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính: Đầu tư 200 tỷ đồng/km cao tốc là 'hơi cao', cần tính toán lại - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường. (Ảnh: VTC News).

Theo Thanh tra, giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, tổng mức đầu tư mới là khái toán. Ông Phớc lý giải do chưa lập dự án, chưa lập dự toán, chưa tính phương án đền bù thì chưa thể coi đó là mức đầu tư cao hay thấp.

“Mức bình quân đầu tư đường cao tốc hiện nay là 200 tỷ/km, nhưng còn tùy vào nền đường vì nền đường Bắc Bộ khác, Trung Bộ khác và vùng Nam Bộ khác… Khi lập dự toán, phê duyệt từng dự án, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về mức độ chính xác của tổng mức đầu, cũng như thiết kế dự toán”, ông Phớc nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm rằng, tổng dự toán bao giờ cũng nhỏ hơn tổng mức đầu tư và theo lý thuyết thì quyết toán nhỏ hơn dự toán.

Góp ý cho phương án nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành, ông Phớc cho biết ban đầu, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra phương án đầu tư 4 dự án thành phần bằng phương thức BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đặt 4 trạm thu phí, dự kiến mỗi trạm thu 730 triệu/ngày và thu trong khoảng 15 năm.

Sau khi tính toán lại, Bộ trưởng Tài chính cho rằng đầu tư công toàn tuyến với 12 dự án thành phần, sau đó đặt 4 trạm trên toàn tuyến, tức là mỗi trạm cách nhau 243 km rồi tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Theo tính toán của ông Phớc, nếu theo phương án này thời gian thu phí sẽ chỉ còn 5-7 năm thay vì 15 năm như dự tính ban đầu.

“Sau khi có đường rồi, có quy hoạch rồi sẽ đặt vị trí 4 đặt trạm để tính toán xem mỗi ngày có bao nhiêu lượng xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền. Từ đó xây dựng phương án đấu thầu. Đơn vị nào có phương án hiệu quả nhất, thu phí trong thời gian ngắn nhất sẽ được lựa chọn”, ông Phớc giải thích.

Ông cho rằng như vậy số tiền Nhà nước đã bỏ ra đầu tư sẽ sớm được thu hồi, nên phương án này không ảnh hưởng gì mà chỉ còn có lợi.

Phương Trang