|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội giao mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2022

17:55 | 12/11/2021
Chia sẻ
Với tổng số 472/472 số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 ở mức 6-6,5%; quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 3.900 USD,...

Chiều nay (12/11), với 472/472 đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. 

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng mức tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% khó hoàn thành, nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%-5,5%.

Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6%-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau; đặt mục tiêu cao hơn đối với chỉ tiêu lao động qua đào tạo; tăng tỷ lệ bội chi lên 5% GDP.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban cùng với Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung cân đối ngân sách và bội chi, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét.

Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Nghị quyết gồm 4 điều, trong đó đề ra 15 chỉ tiêu phát triển chủ yếu, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%;... Cụ thể:

Chỉ tiêuKế hoạch năm 2022
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)6-6,5%
GDP bình quân đầu người3.900 USD
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDPKhoảng 25,5-25,8%
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI)Bình quân 4%
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân5,50%
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội27,50%
Tỷ lệ lao động qua đào tạo67% (27-27,5% có bằng, chứng chỉ)
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thịDưới 4%
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều)Giảm 1-1,5%
Số bác sĩ trên 1 vạn dân9,4
Số giường bệnh trên 1 vạn dân29,5 giường bệnh
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế92% dân số
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới73%
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn89%
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn91%

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong nhiệm vụ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết quy định rõ: Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định). 

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Đồng thời, thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư…

Phương Trang