|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng KH&ĐT thông tin điểm khác của gói kích cầu sắp tới so với hồi năm 2009, dự báo thời điểm kinh tế chính thức hồi phục

20:25 | 11/11/2021
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nếu chương trình phục hồi kinh tế được bắt đầu từ năm 2022 thì quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ diễn ra ngay cuối năm 2022 và tăng dần lên tới cuối năm 2023.

Chiều 11/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với phần đăng đàn của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về gói kích thích phục hồi kinh tế trong điều kiện hiện nay có gì giống và khác nhau so với gói hỗ trợ được thực hiện trong các giai đoạn trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải rút kinh nghiệm những điểm đã làm được và chưa làm được của gói kích thích năm 2008-2009, phát huy được cái tốt và tránh được những khiếm khuyết khi đó.

Bộ trưởng nhắc lại gói phục hồi khi đó chỉ tập trung vào 3 chương trình mục tiêu nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng và bảo đảm an sinh xã hội.

Quy mô khi đó nước ta dành ra 122.000 tỷ đồng tương ứng với 6,9 tỷ USD. Riêng năm 2009, trong số 122.000 tỷ đồng đó, chúng ta đã tập trung thực hiện 100.600 tỷ đồng tương ứng với 5,7 tỷ USD và tương ứng với 5,6 % GDP lúc đó (khoảng 100 tỷ USD). 

Bộ trưởng KH&ĐT nhắc lại bài học gói kích cầu 2009, dự báo thời điểm phục hồi kinh tế hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP).

Theo Bộ trưởng, gói hỗ trợ lúc đó đã giúp nước ta giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng. Thứ hai là giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có tăng trưởng dương. Cụ thể năm 2008 nước ta tăng trưởng 5,7%, năm 2009 tăng trưởng 5,4%.

Song, theo Bộ trưởng, gói kích thích này cũng đưa tới nhiều hạn chế bất cập. Chính sách của chúng ta mới tập trung chủ yếu về phía cung, tức là doanh nghiệp rất khó khăn về đầu ra, sản xuất chưa biết bán đâu.

"Ngoài ra, chính sách hỗ trợ có lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ về chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa khác làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách, tức là vay vốn rẻ rồi lại gửi ngân hàng khác để ăn hưởng chênh lệch. Nó lại không chảy vào sản xuất, mà lại chảy vào chứng khoán, bất động sản", Bộ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao, năm 2010 lạm phát 9,2% và năm 2011 lạm phát là 18,6%. Đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí và nhiều dự án đến năm 2011 phải dừng và đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất chưa quyết toán được đã để lại các ảnh hưởng rất lớn.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân nằm ở việc chúng ta thiếu đồng bộ chính sách tài khóa tiền tệ và chính sách tiền tệ của chúng ta thiếu linh hoạt, quản lý giám sát thiếu chặt chẽ. Chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thì thiếu ổn định,...

Từ những bài học trên, Bộ trưởng KH&ĐT rút ra 4 bài học lớn. Thứ nhất, cần một chương trình tổng thế với quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay trả và hấp thụ của nền kinh tế. Thứ hai là phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

Đồng thời, việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi. Hỗ trợ cho dòng tiền, ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt là phải có sự kiểm soát về rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.

Về thời điểm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, theo quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng nếu đã gọi là phục hồi thì tức là các hoạt động về kinh tế, doanh nghiệp và người dân phải trở lại bình thường như trước khi có dịch. Tốc độ tăng trưởng cũng quay trở lại thời điểm trước khi có dịch.

Bộ trưởng dự tính, nếu chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế từ năm 2022 thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra ngay cuối năm 2022 và tăng dần lên vào cuối năm 2023. Đến cuối 2023, nếu chúng ta thực hiện tốt, kiểm soát tốt có hiệu quả các gói hỗ trợ được đưa ra thì chúng ta sẽ quay trở lại bình thường như mong muốn, kỳ vọng.

Phương Trang