|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khoảng 1,3 triệu người dân rời TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, mới 30% có nhu cầu quay trở lại

22:28 | 10/11/2021
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 1,3 triệu người dân đã di chuyển từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê. Trong đó, có khoảng 30% người dân có nhu cầu quay trở lại và 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở địa bàn khác và 40% muốn có việc làm tại quê.

Tại phiên chất vấn chiều 10/11 của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cho biết giải pháp hỗ trợ người dân về quê trong các đợt dịch vừa qua, để họ không bị lại phía sau.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thống kê của 63 địa phương cho thấy khoảng 1,3 triệu người đã di chuyển từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê.

Qua khảo sát mới đây, Bộ trưởng cho biết khoảng 30% người dân có nhu cầu quay trở lại TP HCM và các tỉnh phía Nam; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở địa bàn khác; còn lại khoảng 40% muốn có việc làm tại quê.

Khoảng 1,3 triệu người dân rời các tỉnh phía Nam về quê, 30% có nhu cầu quay trở lại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. (Ảnh: VGP).

Lãnh đạo ngành lao động nêu một số vấn đề cần quan tâm thời gian tới. Trong đó, TP HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm cần phối hợp với các địa phương vận động, thuyết phục người lao động quay trở lại.

Các tỉnh chủ động kết nối với địa phương khác giới thiệu việc làm cho người dân. Vừa qua, Thanh Hóa đã giới thiệu người lao động về quê đi làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

"Bắc Giang hiện nay đã tăng hơn 50.000 lao động so với thời điểm trước dịch. Số này chủ yếu là lao động về quê nay trở lại", ông Dung cho biết.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý các tỉnh cần chú ý tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam vừa qua đã tiếp nhận toàn bộ công nhân may và một số lĩnh vực khác làm việc tại địa phương. Các tỉnh cần có chủ trương khuyến khích lao động quay trở lại làm việc.

Song song với đó, địa phương cần tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ cho người lao động ở địa phương có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, sau khi công tác kiểm soát dịch COVID-19 có những tín hiệu tích cực từ cuối tháng 9, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn bước vào quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc "nhập cuộc" trở lại cũng đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn lao động.

"Doanh nghiệp rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có sẵn sàng quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết", chủ một doanh nghiệp dệt may bày tỏ sự lo ngại.


Phương Trang