|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào quyết định về quê hay ở lại TP của hàng trăm nghìn công nhân Việt Nam

17:18 | 04/11/2021
Chia sẻ
Bloomberg cho hay các nhà máy ở Việt Nam đang tìm mọi cách để đưa người lao động quay trở lại làm việc và đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là của cả nền kinh tế toàn cầu.

Suốt 5 năm qua, Lê Thị Kim Dung làm việc cho một xưởng sản xuất, gia công đơn hàng quần jeans cho các thương hiệu Mỹ tại khu công nghiệp TP HCM. 

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa rồi khiến nhà máy nơi Dung làm việc buộc phải đóng cửa, cùng các quy định giãn cách khi đó, hai vợ chồng Dung chấp nhận sống tạm qua ngày trong căn phòng trọ chật chội. Đến tháng 10, khi TP HCM dần dỡ bỏ các hạn chế, hai vợ chồng cô đi xe máy hơn 160 km về quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long và không chắc khi nào sẽ quay lại thành phố.

Bloomberg: Kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào quyết định về quê hay ở lại TP của hàng trăm nghìn công nhân Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân đo thân nhiệt trước khi vào nhà máy. (Ảnh: Bloomberg).

Nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc khá nhiều vào quyết định về quê hay ở lại thành phố của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam như Dung - lượng công nhân có thể lấp đầy những nhà máy có quy mô lớn như sân vận động, Bloomberg nhận định.

Trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam vươn lên như một trung tâm sản xuất, với giá trị xuất khẩu tăng gần 20 lần trong hai thập kỷ qua (từ 14,5 tỷ USD vào năm 2000 lên 283 tỷ USD vào năm 2020).

Samsung Electronics sản xuất tủ lạnh và máy rửa bát tại đây; hàng loạt nhà máy sản xuất áo phông, quần jean và áo len cho các thương hiệu nổi tiếng Urban Outfitters, Calvin Klein và Gap; trong khi đó Nike, Adidas và Puma cũng cho ra hàng trăm triệu đôi giày tại Việt Nam.

Bloomberg: Kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào quyết định về quê hay ở lại TP của hàng trăm nghìn công nhân Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg.

Thơi gian này, nhiều nhà máy chỉ hoạt động với 70% nhân lực hoặc ít hơn do người lao động chưa quay trở lại làm việc. Dù vậy, con số vẫn là khá tích cực so với những tháng bùng dịch căng thẳng, khi hàng nghìn nhà máy phía Nam phải tạm đóng cửa, ngưng sản xuất. Theo Bloomberg, các nhà máy cần đến vài tháng nữa để đạt được mục tiêu hoạt động 100% công suất.

Trong khi triển vọng phục hồi kinh tế đang đối mặt rủi ro, Chính phủ và chủ doanh nghiệp đang làm mọi cách để thu hút người lao động quay trở lại làm việc.  Một nhà cung cấp của Nike đang treo thưởng 100 USD, bằng 25% tiền lương hàng tháng của một công nhân cho những ai quay lại.

Nhà sản xuất giày thể thao New Balance cũng ra chính sách miễn phí chở người lao động từ các tỉnh lân cận vào TP HCM làm việc.

Bloomberg: Kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào quyết định về quê hay ở lại TP của hàng trăm nghìn công nhân Việt Nam - Ảnh 3.

Các nhà máy sản xuất tập trung nhiều ở TP HCM. (Ảnh: Bloomberg).

Dự kiến sắp tới, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ về các vấn đề liên quan đến tình trạng người lao động rời TP HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt, giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch và chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc.

Hiện cũng có nhiều kiến nghị giảm tiền thuê nhà cho công nhân và tăng tốc độ phủ vắc xin cho nhóm đối tượng này.  

"Nếu người lao động quay trở lại thành phố, họ sẽ muốn được hỗ trợ tiền thuê nhà. Họ muốn được tiêm vắc xin để được an toàn trước đại dịch", TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói với Bloomberg.

Còn với Dung, hiện tại cô chưa có ý định quay trở lại TP HCM và tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại, được đoàn tụ với con gái và chồng Dung cũng đã xin được việc làm thêm ở vài công trình xây dựng gần nhà.

Cô giờ kiếm được ít tiền hơn so với thời làm công nhân ở TP HCM, nhưng bù lại đỡ được khoản tiền trọ, sinh hoạt phí ở quê cũng rẻ hơn so với trên thành phố. "Bố mẹ tôi có thể giúp tôi, chúng tôi tự trồng lúa và không phải trả tiền thuê nhà. Ở quê vẫn tốt hơn ở thành phố, trả tiền trọ hàng tháng và nhìn mọi người nhiễm bệnh", cô nói.

Anh Đào

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.