|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp quay lại đường đua phục hồi sản xuất, tăng tốc cho quý quan trọng nhất năm

10:09 | 25/10/2021
Chia sẻ
Sau gần một tháng Việt Nam khởi động kế hoạch tái mở cửa, nối lại các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp trên cả nước lần lượt quay lại đường đua phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp tại các khu vực kinh tế trọng điểm khôi phục sản xuất hoàn toàn

Tại Bình Dương - "thủ phủ công nghiệp" năng động nhất nhì cả nước, gần 90% doanh nghiệp phục hồi lại sản xuất với hơn 500.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc, hiện phần lớn công nhân đã tiêm đủ vắc xin để đi làm hàng ngày.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp tại đây đưa ra nhiều chính sách thu hút công nhân quay lại làm việc. Điển hình như Công ty Ampacs International, công nhân trước khi vào phân xưởng sản xuất chính thức phải qua 14 ngày cách ly tại ký túc xá của công ty. Trong những ngày cách ly vẫn được trả lương 170.000 đồng/ngày và sau khi vào làm chính thức được thưởng thêm 150.000 đồng/ngày.

Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam còn hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu và vẫn duy trì mức thu nhập hàng tháng hơn 8 triệu đồng kèm theo nhiều phúc lợi khác sau khi công nhân trở lại nhà máy đúng hẹn. Đặc biệt, công ty thưởng thêm từ 1,5-2 triệu đồng/người lao động làm việc trong tháng đầu tiên trở lại sản xuất.

Doanh nghiệp quay lại đường đua phục hồi sản xuất, tăng tốc cho quý quan trọng nhất năm - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại KCN Linh Trung 1, TP HCM. (Ảnh: TTXVN).

Tương tự ở Đà Nẵng, 90% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) tại đây đã quay trở lại hoạt động và đẩy nhanh tiến độ sản xuất với hy vọng tăng trưởng tương đương năm 2021.

"Ngay sau khi Đà Nẵng mở cửa lại, các đại lý, nhà phân phối tại TP HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng đã kết nối, đặt hàng. Hiện công ty đang tăng tốc hoàn thành các đơn hàng. Hy vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát, công ty phục hồi hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc", Bà Dương Thị Thu Vân, Tổng quản lý Công ty TNHH MTV Hệ thống & Cáp điện Bumhan (KCN Hòa Khánh, TP Đà Nẵng) chia sẻ trên TTXVN.

Với Đồng Nai – nơi có 31 KCN với hơn 1.700 doanh nghiệp và trên 615.000 lao động, tính đến ngày 18/10, có gần 1.450 doanh nghiệp trong các KCN hoạt động trở lại với hơn 426.000 lao động đi làm theo hình thức "3 tại chỗ" hoặc cho công nhân đi về hàng ngày.

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh Đồng Nai có 31 KCN với hơn 1.700 doanh nghiệp và trên 615.000 lao động.

Sau nhiều tháng tạm ngưng, cho công nhân nghỉ việc, từ đầu tháng 10 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh; quá trình phục hồi của doanh nghiệp diễn ra nhanh, số công nhân trở lại nhà máy tăng theo từng ngày.

Nhiều doanh nghiệp tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt cao như: Công ty Hwaseung Vina (KCN Nhơn Trạch I) với gần hơn 17.000 lao động, trong đó có 14.000 người đã đi làm, đạt tỷ lệ hơn 80%; Công ty Dona Pacific Việt Nam (KCN Sông Mây) có khoảng 10.000 lao động, trong đó 7.700 người đã đi làm, đạt tỷ lệ 78%; Công ty Đông Phương Việt Nam (KCN Sông Mây) với gần 11.000 lao động, đến nay có khoảng 8.000 lao động đã đi làm, đạt tỷ lệ 73%.

Dự báo cuối tháng 10 này, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ ổn định sản xuất như trước đây; những tháng còn lại của năm 2021, doanh nghiệp sẽ dồn lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.

Mặc dù vậy, trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn gần 270 doanh nghiệp chưa hoạt động, khoảng 190.000 lao động chưa đi làm. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện, người lao động tiêm vắc xin chưa đủ ngày.

Doanh nghiệp quay lại đường đua phục hồi sản xuất, tăng tốc cho quý quan trọng nhất năm - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh thành kinh tế trọng điểm đã khôi phục sản xuất hoàn toàn. (Ảnh: Thanh niên).

Tại TP HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, những ngày vừa qua đã có hơn 143.000 lao động trở lại TP làm việc.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất (KCX) - KCN TP HCM, cho biết trên báo Thanh niên, hiện nay tại các KCX - KCN đã hoạt động trở lại khoảng 60 - 70% công suất, chỉ có một số khu vực như KCX Linh Trung 1, 2 (giáp ranh các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) chỉ mới hoạt động khoảng 40 - 50% công suất.

Trước đó hôm 13/10, Bloomberg đưa tin dự kiến vào cuối tháng 11, các đơn vị của Samsung và Intel Electronics sẽ khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở TP HCM. Đại diện Samsung cũng nhấn mạnh nếu nhà máy sản xuất TP HCM nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.

Quay trở lên phía Bắc, Công ty Hosiden, Khu Công nghiệp Quang Châu, nơi từng là tâm dịch của tỉnh Bắc Giang hiện cũng đã khôi phục hoàn toàn sản xuất.

Quý cuối năm luôn là quý quan trọng khi mà tổng cầu của nền kinh tế đều tăng rất cao. Với năm nay, quý IV càng quan trọng hơn trong bối cảnh vừa trải qua quý III GDP âm 6,17%.

Mục tiêu quý IV tăng trưởng 7,06%, cả năm tăng 3%

Tại họp báo Chính phủ đầu tháng 10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV năm nay phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên và để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm thì quý IV phải đạt được 8,84% trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với mức tăng trưởng quý đạt từ 7% trở lên thì trong quá khứ Việt Nam cũng đã từng đạt được kết quả này, tuy nhiên với quý IV năm 2021 có nhiều điểm đặc biệt và phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để có thể đạt được mục tiêu này thì doanh nghiệp phải được hoạt động, nghĩa là không bị đóng băng, đóng cửa và lao động phải được dịch chuyển.

Việt Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu của tiến trình mở cửa, sau khi kiểm soát được hoàn toàn làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. 

Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiều qua 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền sớm nhất dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Đào