|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bộ Tư pháp ủng hộ quan điểm của Grab, đề nghị xem xét khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô

17:20 | 23/04/2019
Chia sẻ
Trong văn bản góp ý gửi đến Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải.

Ngày 19/4, Bộ Tư pháp có ý kiến trả lời công văn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86).

Ngoài các vấn đề trong báo cáo thẩm định về dự thảo Nghị định trước đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa một số vấn đề.

Trực tiếp điều hành phương tiện đồng thời quyết định giá cước vận tải mới được xem là đơn vị kinh doanh vận tải 

Thứ nhất, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong Dự thảo. 

Dự thảo qui định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải", thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Theo qui định đó, bất kì đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải.

Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung qui định để quản lí các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm).

Tuy nhiên, Bộ đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có qui định quản lí phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch. 

Đề nghị của Bộ Tư pháp tương đồng với đề xuất của Grab liên quan đến khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Bộ Tư pháp ủng hộ quan điểm của Grab, đề nghị xem xét khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Báo Giao thông.

Trong văn bản gửi lên Bộ GTVT của Grab ghi rõ: "Grab e ngại hai khái niệm sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc áp dụng các qui định pháp luật".

Theo phân tích của Grab, hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn. Việc chỉ đưa hai công đoạn "điều hành phương tiện, lái xe" và "quyết định giá cước vận tải" vào định nghĩa kinh doanh vận tải, mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác, như sử dụng và quản lí xe ô tô, thuê và quản lí người lái xe, điều khiển phương tiện, là không hợp lí.

Phía Grab cũng đề xuất dự thảo cần qui định rõ ràng các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải"; đồng thời bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm "kinh doanh vận tải bằng xe ô tô".

Bỏ quy định về thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu 

Thứ hai, dự thảo quy định: "Trong thời gian một tháng, xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình".

Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định này, do việc hạn chế thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu là không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở khoa học, mang tính chất áp đặt hành chính, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ các quy định tại dự thảo liên quan đến thwoif gian xe taxi hoạt động.

Quy định bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng kí để được cấp phù hiệu cho từng xe, có thể tạo cơ chế xin – cho

Thứ ba, Dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì cơ chế đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng kí để được cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải. Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá lại sự cần thiết của qui định.

Theo Bộ Tư pháp, quy định có thể tạo cơ chế xin – cho, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cần xem xét loại bỏ. Dự thảo đã quy định doanh nghiệp phải có phù hiệu đối với xe kinh doanh vận tải, do đó, chỉ nên qui định mẫu phù hiệu và giao cho các đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm lắp phù hiệu theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại qui định "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe: ... Không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh".

Theo Bộ, yêu cầu như vậy là không rõ mục tiêu quản lí, hạn chế đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ vận chuyển, đưa đoàn cán bộ, công nhân viên theo hợp đồng cho các cơ quan, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cho rằng qui định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lí nhà nước. 

Tuệ An