|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Các công ty công nghệ Mỹ và Hollywood là 'con tốt dưới tay Trung Quốc'

08:37 | 17/07/2020
Chia sẻ
Trong bài phát biểu hôm 16/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr đã lên tiếng chỉ trích các gã khổng lồ công nghệ Mỹ gồm Google, Microsoft, Yahoo, Apple và Cisco cũng như Hollywood vì "quá sẵn lòng hợp tác với chính phủ Trung Quốc".
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Các công ty công nghệ Mỹ và Hollywood là 'con tốt dưới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr. (Ảnh: Reuters)

Tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Gerald R. Ford ở Grand Rapids (bang Michigan), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr nói: "Chính phủ Trung Quốc hiện đang tham gia vào một cuộc chiến kinh tế ồ ạt, bài bản, tập trung và đồng lòng để giành lấy vị trị chỉ huy kinh tế toàn cầu và vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường ưu việt của thế giới".

"Thật sự quá thất vọng, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà các công ty Mỹ đã qui phục dưới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, ngay cả khi phải đánh đổi bằng tự do và sự cởi mở của nước Mỹ", ông Barr nói tiếp, đồng thời gọi các công ty công nghệ Mỹ "là con tốt dưới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc".

Trong bài phát biểu gay gắt của mình, Bộ trưởng Barr chỉ đích danh các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Cisco đã giúp Bắc Kinh xây dựng "Tường lửa Khổng lồ", hay "hệ thống giám sát và kiểm duyệt phức tạp nhất thế giới".

Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNBC, Cisco cho biết họ "không cung cấp thiết bị đã tùy chỉnh để tạo điều kiện chặn truy cập hay giám sát người dùng cho Trung Quốc".

"Các sản phẩm chúng tôi cung ứng cho Trung Quốc tương tự như trên toàn thế giới. Chúng tôi tuân thủ đầy đủ tất cả qui tắc kiểm soát xuất khẩu áp dụng cho Trung Quốc, trong đó bao gồm các qui định liên quan đến nhân quyền", Cisco khẳng định thêm.

Chuyển sang Apple, Bộ trưởng Barr chỉ trích việc Apple quyết định chuyển một phần dữ liệu iCloud sang các máy chủ ở Trung Quốc. Theo ông Barr, hành động này có thể giúp chính phủ Trung Quốc dễ dàng truy cập email, tin nhắn và thông tin người dùng lưu trữ trong iCloud.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ còn cáo buộc Apple gỡ bỏ ứng dụng tin tức Quartz từ cửa hàng ứng dụng (app store) ở Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh phàn nàn về các tin tức liên quan đến biểu tình dân chủ ở Hong Kong trong ứng dụng này.

Cũng theo CNBC, ông William Barr cũng nhanh chóng bỏ qua bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn để thằng thừng chê trách Apple vì không hợp tác với chính phủ Mỹ để mở khóa iPhone của thủ phạm vụ xả súng xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Bộ Tư pháp Mỹ trước đó từng yêu cầu Apple trích xuất dữ liệu từ hai chiếc iPhone của tay súng gây ra cuộc thảm sát chết người ở một căn cứ Hải quân Mỹ tại Florida và thủ phạm được cho là có liên quan đến nhóm khủng bố Al-Qaeda. Khi đó Apple đã từ chối.

Ông Barr nhấn mạnh: "Trong 4 tháng rưỡi, chúng tôi đã cố gắng lấy thông tin từ chiếc iPhone mà không có bất kì sự trợ giúp nào từ Apple. Cuối cùng, chính phủ Mỹ đã vượt qua thách thức nhờ một sự may mắn mà chúng tôi sẽ không có được lần thứ 2".

Qua một tuyên bố chia sẻ với CNBC, Apple đã nhắc lại cam kết của hãng với vấn đề an ninh mạng và cung cấp "dịch vụ mã hóa trên các dòng thiết bị và máy chủ của Apple".

"Sản phẩm của chúng tôi giúp khách hàng Trung Quốc giao tiếp, học hỏi, thể hiện sự sáng tạo và rèn luyện sự khéo léo. Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của một xã hội mở, trong đó thông tin lưu chuyển tự do và tin chắc cách tốt nhất chúng tôi có thể thúc đẩy sự cởi mở là tiếp tục gắn kết ngay cả khi bất đồng với luật pháp của một nước nào đó", Apple nêu rõ.

Google và Yahoo từ chối đưa ra bình luận liên quan đến tuyên bố của Bộ trưởng Barr.

Google không vận hành công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc từ năm 2010 nhưng bị nhân viên gây sức ép buộc phải từ bỏ kế hoạch ra mắt một sản phẩm tìm kiếm mới ở đất nước tỉ dân vào năm 2018.

Tại một phiên điều trần cùng năm, CEO Sundar Pichai nói với Quốc hội Mỹ rằng tại thời điểm đó Google "không có kế hoạch" ra mắt một dịch vụ như vậy.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ còn chỉ trích các công ty Hollywood, đơn cử như Disney và Paramount Pictures vì thường xuyên "luồn cúi" trước yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc.

Chẳng hạn, Paramount Pictures đã yêu cầu nhà sản xuất "World War Z" xóa một cảnh mà trong đó các nhân vật phim đang đồn đoán virus gây ra đại dịch zombie có thể bắt nguồn từ Trung Quốc.

Yên Khê