|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Kỳ vọng vào những hướng đi mới

22:30 | 25/12/2022
Chia sẻ
Mặc dù bị tác động nhiều bởi xung đột địa chính trị, lạm phát từ các nền kinh tế trên thế giới nhưng với sự điều hành và giải pháp linh hoạt của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công Thương, kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Bộ trưởng Công Thương trả lời phỏng vấn của TTXVN. Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN

Bên thềm năm mới 2023, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhằm nhìn nhận lại những khó khăn mà ngành công thương và doanh nghiệp đã vượt qua trong năm 2022. Cùng đó, kỳ vọng vào những hướng đi mới cụ thể, sáng tạo, nhất là tận dụng thực thi hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để tạo đà cho sản xuất và xuất khẩu.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn rơi vào lạm phát và đình trệ cao, với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những khó khăn ngành công thương nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải vượt qua trong năm 2022?

Năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và phản ứng chính sách của các nước lớn đã gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng toàn cầu... Điều này dẫn đến giá cả các mặt hàng chiến lược, thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, lương thực và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất, than, gỗ, phân bón, titan, nhôm… tiếp tục tăng cao. 

Một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục dẫn đến lạm phát tăng ở hầu hết các nền kinh tế, sụt giảm tăng trưởng và có nguy cơ đưa kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Trong nước, biến động toàn cầu đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp; giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, gián đoạn cục bộ trong một số thời điểm. 

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Qua đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt ngành công thương vẫn duy trì được tăng trưởng cao và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức kỷ lục mới. Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 371,5 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). 

Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD (gấp 3 lần năm 2021).

Đi liền đó là sự hồi phục và tăng trưởng của thị trường trong nước với các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở địa phương trên cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng hơn 21%, gấp 2,8 lần so với mục tiêu kế hoạch (mục tiêu tăng 8%).

Ngoài ra, kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa nhà sản xuất trong nước với hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Hơn nữa, sản xuất và cung ứng điện năng cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu. 

Riêng với mặt hàng xăng dầu, trước diễn biến phức tạp của nguồn cung và giá cả thế giới, Bộ Công Thương đã kịp thời cân đối tổng nguồn cung và thực hiện việc phân giao nhập khẩu bổ sung cho doanh nghiệp đầu mối để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Mặt khác, Bộ còn chỉ đạo các đơn vị sản xuất tăng công suất tối đa bổ sung nguồn xăng dầu cho thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm túc hành vi đầu cơ, găm hàng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh; đề xuất Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và hải quan… đảm bảo doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu hoạt động ổn định. Nhờ vậy, việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước cơ bản được bảo đảm.

Dự báo năm 2023 sẽ vẫn là một năm khó khăn, vậy Bộ trưởng kỳ vọng điều gì ở năm mới và những FTA sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh ra sao, thưa Bộ trưởng?

Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 FTA, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn từ trong nước ra khu vực và thế giới, con đường hội nhập, tham gia vào các FTA là đúng đắn và bảo đảm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. 

Dấu ấn đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tham gia các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Ireland (UKVFTA) đã giúp duy trì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đồng thời hạn chế phần nào những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thương mại và kinh tế của đất nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt khoảng 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 32,077 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước đối tác tham gia Hiệp định RCEP đạt 108,48 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Với đà tăng trưởng này, có thể nhận định việc thực thi các FTA của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2023, nhất là ở các thị trường được đánh giá là còn tiềm năng và dư địa tận dụng FTA cho Việt Nam.

Đối với Hiệp định RCEP, lợi ích từ Hiệp định này được đánh giá là sẽ đến trong dài hạn từ việc thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hóa Việt Nam. Cùng đó, tạo điều kiện phát triển các chuỗi cung ứng khu vực mới để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. 

Thế nhưng, cơ hội tận dụng ưu đãi từ các FTA chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giải quyết được những vướng mắc về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế của FTA. Ngoài ra, việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng "Made in Viet Nam" tại thị trường khó tính như EU cũng là bài toán cần quan tâm.

Năm 2023, thế giới sẽ tiếp tục biến động ở cả thị trường hàng hoá lẫn tài chính- tiền tệ nhưng với những gì FTA thế hệ mới mang lại hy vọng cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chung tay giải quyết những khó khăn. Qua đó, để FTA tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Để tạo bước đột phá trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch cụ thể gì trong hoạch định chính sách cũng như tạo đà giúp doanh nghiệp phục hồi "sức khoẻ" góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước, thưa Bộ trưởng?

Để khắc phục những khó khăn, thách thức và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023, ngành công thương sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trong tâm.

Cụ thể, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng. Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, nhất là mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp. 

Cùng với đó, Bộ tiếp tục triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. 

Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa dự án công nghiệp có vai trò quan trọng vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa, năng lượng cho sản xuất và đời sống sinh hoạt, nhất là trong các dịp Lễ, Tết.

Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết, tập trung khai thác thị trường mới, chú trọng khai thác thị trường lân cận, còn tiềm năng.

Mặt khác, phát huy vai trò Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu; đổi mới xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử.

Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu…

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics tập trung khai thác tốt thị trường nội địa, vẫn còn dư địa gia tăng; đảm bảo cung - cầu hàng hóa trong nước, ổn định giá cả mặt hàng thiết yếu. 

Cùng đó, chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết cuối năm để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ sẽ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt. Đặc biệt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, tránh xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Uyên Hương