|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Janet Yellen có thể đã phạm phải 'sai lầm lớn nhất trong lịch sử Bộ Tài chính Mỹ’

11:16 | 02/11/2023
Chia sẻ
Tỷ phú Druckenmiller chỉ trích Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen vì đã không tận dụng được môi trường lãi suất siêu thấp trong thời đại dịch để tiết kiệm chi phí lãi vay cho chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AP).

Tỷ phú đầu cơ nổi tiếng Stanley Druckenmiller cho rằng Bộ trưởng Janet Yellen là người đã gây ra “sai lầm lớn nhất” trong lịch sử Bộ Tài chính Mỹ.

Ông Druckenmiller từng là CIO tại hãng quản lý tài sản của huyền thoại George Soros trong hơn một thập kỷ. Đến thập niên 1980, ông tự mở công ty riêng có tên là Duquesne Capital Management. Các thương vụ đầu tư thành công đã giúp ông xây dựng được khối tài sản ròng trị giá hơn 6 tỷ USD, tờ Fortune cho biết. 

Tại một hội nghị đầu tư được tổ chức vào tuần trước, ông Druckenmiller đã chỉ trích gay gắt Bộ trưởng Yellen với lý do rằng bà đã không tận dụng được thời kỳ lãi suất siêu thấp.

Ông tuyên bố: “Trong giai đoạn lãi suất bằng 0, mọi người dân bình thường ở Mỹ đều tranh thủ tái cấp vốn cho khoản vay thế chấp mua nhà, các doanh nghiệp cũng gia hạn trái phiếu. Đáng tiếc là có một tổ chức đã không làm vậy. Đó là Bộ Tài chính Mỹ”.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 hồi năm 2020, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế giữa các đợt phong tỏa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng điều chỉnh lãi suất chính sách về mức gần bằng 0.

Sau đại dịch, sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng, tình trạng thiếu hụt lao động và cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến sự Nga - Ukraine đã khiến lạm phát ở Mỹ vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm.

Để khống chế áp lực giá, Fed đã thắt chặt đáng kể chính sách tiền tệ và kéo lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm. Ông Druckenmiller cho rằng bà Yellen nên phát hành thêm nhiều trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài khi chi phí nợ vay còn thấp.

 

Ông nói: “Bà Yellen, có lẽ là vì lý do chính trị hay bất kỳ nguyên cớ nào khác, đã tập trung phát hành tín phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm ở mức lợi suất 0,15%. Đáng ra bà nên phát hành thêm trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất 0,7% hay kỳ hạn 30 năm với lợi suất 1,8%.

Tôi thực sự nghĩ rằng từ thời của Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên Alexander Hamilton đến nay, đây là sai lầm lớn nhất trong lịch sử Bộ Tài chính. Tôi không hiểu tại sao bà Yellen lại chưa bị chỉ trích vì việc này”.

Ông Druckenmiller cảnh báo rằng khối nợ công của Mỹ sẽ gây ra hậu quả lâu dài. Ông chỉ ra: “Khi chính phủ đảo nợ vào năm 2033, chi phí lãi vay sẽ tương đương với 4,5% GDP nếu lợi suất được duy trì ở mức như hiện nay.

Đến năm 2043 chi phí lãi vay sẽ lên đến 7% GDP, tương đương với 144% tổng các khoản chi tùy ý của chính phủ. Đừng nghĩ rằng 20 năm nữa còn lâu mới đến, thời gian sẽ trôi qua nhanh chóng đấy”.

Vay mượn 1.000 tỷ USD

Trong bối cảnh chi tiêu tài khóa của Mỹ leo lên mức kỷ lục, Bộ Tài chính được cho là sẽ vay thêm hơn 1.000 tỷ USD thông qua tín phiếu kho bạc trong những tháng cuối năm 2023.

Viện Cato cho biết giá trị các khoản thanh toán lãi vay của chính phủ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2015 - 2023. Dự kiến Washington sẽ phải trả 640 tỷ USD tiền lãi ròng trong năm nay. Một số nhà kinh tế ước tính rằng lãi phải trả sẽ trở thành khoản chi lớn nhất của chính phủ vào năm 2051.

 

Ông Druckenmiller không phải nhân vật tiếng tăm duy nhất trong ngành tài chính gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nợ nần của Mỹ trong những tháng gần đây.

Hồi tháng 6, ông Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ khổng lồ Bridgewater Associates, cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ nếu chính phủ không tìm đủ người mua cho số trái phiếu và tín phiếu khổng lồ mà họ sẽ tung ra thị trường.

Hồi tháng 10, CEO Jamie Dimon của JPMorgan chỉ ra rằng nợ công đang gia tăng và “thâm hụt tài chính trong thời bình đã lên mức cao nhất từ trước đến nay”. Điều này có thể thổi bùng lạm phát ở Mỹ và buộc Fed phải tiếp tục tăng lãi suất.

Giang