|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Tài chính ‘hiến kế’: Doanh nghiệp tư nhân tham gia mua sắm công, quản trị công ty sau cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

12:07 | 03/05/2019
Chia sẻ
Bên cạnh đó, theo 'hiến kế' của Bộ Tài chính, cần tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng vào phát triển trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư hưu trí tự nguyện cũng như đầu tư bất động sản và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Chiều qua (2/5), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã có phần "hiến kế" thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân và trả lời các ý kiến của hiệp hội dệt may, Thaco, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đại diện Bộ Tài chính, khu vực kinh tế tư nhân có vị trí vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Về tài chính ngân sách, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 14% so với tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tính thu nội địa, con số này là 23,5% và xu hướng những năm gần đây thì tỉ trọng thu ngân sách của các doanh nghiệp tư nhân ngày càng cao và ngày càng có vị trí quan trọng trong cân đối tài chính ngân sách.

Bộ Tài chính ‘hiến kế’: Doanh nghiệp tư nhân tham gia mua sắm công, quản trị công ty sau cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối kết hợp của các bộ ngành, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để mà phát kinh khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, phát triển thị trường vốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn lực tài chính.

"Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng các cơ chế chính sách hiện nay, đăc biệt lĩnh vực tài chính chưa đủ mạnh và thiếu sự nhất quán. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp tư nhân có thể nắm bắt được các cơ chế chính sách hành lang pháp lý để phát triển", Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết 98 của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào những cơ chế, giải pháp chính.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách doanh nghiệp, chính sách thuế hải quan, chính sách tài chính đối với đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc bố trí và phân bổ nguồn lực cho hợp lý.

Thứ hai, tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng vào phát triển trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư hưu trí tự nguyện cũng như đầu tư bất động sản và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Thứ ba, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quan trọng là tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có thể tham gia vào hoạt động quản trị của các doanh nghiệp cổ phần.

Thứ tứ, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường mua sắm công, dịch vụ công, theo đó, cơ chế về xã hội hoá đối với các dịch vụ công.

Thứ năm, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ Tài chính ‘hiến kế’: Doanh nghiệp tư nhân tham gia mua sắm công, quản trị công ty sau cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 2.

Phiên hiến kế về tài chính tín dụng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019. Ảnh: Phan Quân

"Tới đây, chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của Luật khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và tạo điều kiện mở rộng sản phẩm bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đặc biệt về thuế và hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thuế, hoàn thuế điện tử, phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực phòng chống tham nhũng", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết.

Thứ nhất, liên quan đến kiến nghị của một số hiệp hội ngành hàng, trong đó có khuyến nghị của Hiệp hội Dệt may liên quan đến thuế VAT đối với dự án đầu tư mở rộng. Theo luật thuế VAT hiện hành, đối với các dự án đầu tư để hình thành tài sản cố định thì được hoàn thuế VAT đầu vào và trong luật không có quy định. Cụ thể là đầu tư mới hay đầu tư mở rộng.

Đối với kiện nghị của Ô tô Trường Hải (Thaco) đề nghị không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước, nội dung này liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, ô tô là sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tách phần linh kiện sản xuất trong nước ra khỏi cấu thành của ô tô để không tính thuế.

"Đây là nội dung mới, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ phải có trao đổi cụ thể thêm với doanh nghiệp để làm rõ cơ chế này", đại diện Bộ Tài chính trả lời.

Thứ ba là kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, liên quan đến việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp, công nghệ cao.

"Hiện nay luật thuế thu nhập cá nhân không có nội dung ưu đãi này. Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá tác động chính sách này đối với vấn đề đầu tư hiện nay. Theo đó có báo cáo với các cấp có thẩm quyền về điều khoản chuyển tiếp để thực hiện cho phù hợp", Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Phan Quân