Bộ Tài chính bác đề xuất doanh thu bán hàng 300 triệu đồng mới nộp thuế VAT
Tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi mới nhất đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính vẫn giữ đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu so với hiện hành.
"Nâng ngưỡng chịu thuế là tín hiệu đáng mừng với hộ, cá nhân kinh doanh vì nếu được áp dụng đối tượng nộp thuế sẽ ít đi", ông Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban tư vấn Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) bình luận.
Ông Được cho rằng chính sách này phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi mức doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng trên cơ sở Luật thuế giá trị gia tăng từ năm 2008, nhưng hiện các chỉ tiêu về kinh tế, nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã thay đổi nhiều.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, ngưỡng chịu thuế cần nâng lên cao hơn 150 triệu đồng để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021.
Trước đó, góp ý về dự thảo, một số tổ chức, cơ quan đề xuất nâng ngưỡng doanh thu này lên cao hơn mức Bộ Tài chính đưa ra. Ví dụ, Quảng Ngãi đề nghị miễn thuế VAT cho hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 300 triệu đồng một năm. Một số cơ quan khác đề nghị mức thấp hơn, như Bộ Giao thông Vận tải góp ý con số 250 triệu đồng, tương đương khoảng 10.000 USD. Trong khi, Hội tư vấn thuế Việt Nam và một công dịch vụ kế toán đề xuất 180-240 triệu đồng.
Dẫn Nghị định 07, Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết mức chuẩn thu nhập với hộ nghèo ở nông thôn hiện là 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng, với thành phố là 2 triệu đồng. Như vậy, người có thu nhập một năm 18 triệu đồng là "nghèo và cận nghèo".
VTCA tính toán nếu dựa vào biểu thuế tính thuế giá trị gia tăng, giả sử với ngành nghề kinh doanh thương mại có tỷ lệ thuế là 10%, sẽ tính ra được con số thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Tức là, sau một quá trình kinh doanh thu về 100 triệu, phần giá trị tăng thêm là 10 triệu đồng. Với 150 triệu đồng, con số thu về là 15 triệu đồng.
"Tôi cho rằng 15 triệu đồng vẫn thấp hơn so với mức cận nghèo 18 triệu đồng", chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được nói. Do đó, chuyên gia kiến nghị đưa ngưỡng doanh thu này lên mức tối thiểu 180 triệu đồng để "sau khi nhân với tỷ lệ thuế, hộ, cá nhân còn lại thu nhập bằng mức cận nghèo".
"Nếu xây dựng ở mức 240 triệu đồng để đảm bảo người nghèo ở thành phố không phải nộp thuế sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn", ông nói thêm.
Đồng quan điểm, một chuyên gia khác dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân cho biết mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện là 11 triệu đồng mỗi tháng, giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng. "Nếu tham chiếu theo mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế và người phụ thuộc, khoảng 184,8 triệu đồng mỗi năm. Như vậy, ngưỡng doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh sẽ từ 200 triệu đồng mỗi năm trở lên mới phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân sẽ phù hợp", ông đề xuất.
Thực tế, các đề xuất trên đều bị Bộ Tài chính bác bỏ với lý do mức đề xuất 150 triệu đồng đã "căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế". Bộ này lo ngại nâng mức giảm thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp.
Cùng đó, Bộ Tài chính cho rằng ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp phát sinh doanh thu phải nộp thuế VAT.
Đồng ý với lo ngại của cơ quan soạn thảo về ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước tại địa phương nhưng chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng nếu có chính sách khoan sức dân, người dân được hưởng lợi sẽ rút ngắn phân hoá giàu nghèo. Hơn nữa, nếu tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sẽ giúp họ có tăng nguồn thu, đóng thuế nhiều hơn.
Ông cho rằng nguồn ngân sách hụt thu có thể bù đắp bằng các nguồn nội tại. Ông ví dụ với thuế khoán cho các hộ kinh doanh, hiện do hội đồng tư vấn thuế xã phường đưa ra mức cố vấn nhưng còn chưa phản ánh đúng, đủ khiến thất thu ở khu vực này. "Cơ quan thuế cần xem lại quy trình, rà soát các hành vi gian lận. Nếu họ làm tốt thì mức doanh thu thuế khoán sẽ đảm bảo hơn", ông nhìn nhận.
Mặt khác, theo chuyên gia, ngưỡng doanh thu 150 hay 180 triệu đồng không hẳn là lý do khiến các hộ gia đình cân nhắc lựa chọn thành lập doanh nghiệp. "Điều này có thể ảnh hưởng nhưng không phải yếu tố quan trọng. Họ sẽ cân nhắc phụ thuộc vào thể chế, môi trường kinh doanh, chính sách thuế, thủ tục hành chính", ông nói.
Theo ông, hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp vì lo tốn kém chi phí, thời gian do phải thực hiện đầy đủ quy định về hoá đơn, chứng từ, có người phụ trách kế toán, báo cáo thuế theo quy định. Doanh nghiệp phải nộp nhiều loại thuế gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác. "Nhưng hộ gia đình chỉ nộp thuế khoán với chi phí thấp hơn nên họ có xu hướng lựa chọn làm hộ kinh doanh, không phải do ngưỡng doanh thu", ông lý giải thêm.