|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Sức cầu yếu, Việt Nam có thể sẽ gia hạn giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

14:48 | 06/02/2024
Chia sẻ
Dựa trên dữ liệu thống kê, mức tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng trong tháng đầu năm là khá yếu. Dữ liệu lạm phát cũng đang thể hiện sức cầu yếu của thị trường trong nước.

"Diễn biến tháng đầu năm chưa thể nói lên bức tranh của cả năm, tuy nhiên, với cảm quan tiêu dùng còn yếu, nhất là trong bối cảnh chi tiêu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể sẽ gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong báo cáo mới phát hành.

Theo nhóm phân tích, tháng 1/2024 là tháng mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy nhu cầu tiêu dùng không khả quan.

Doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 1/2024 đạt 524.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý là số liệu doanh thu bán lẻ của tháng trước (12/2023) và cùng kỳ (1/2023) đều được điều chỉnh giảm mạnh so với số ước tính trước đó. Vì vậy, kết quả tăng trưởng trong doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 1/2024 thiếu tính thuyết phục.

 

Dù vậy, xét dựa trên dữ liệu thống kê, mức tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng trong tháng đầu năm là khá yếu. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ đạt 5,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất được ghi nhận trong tháng 1 kể từ năm 2013 đến nay (không bao gồm giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (2021-2022).

Trong đó, những mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như thực phẩm hay dệt may tăng khá thấp. Cụ thể, tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm chỉ đạt 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn cải giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tương tự, doanh số tiêu dùng hàng dệt may chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, mặc dù lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024 đã tiệm cận quy mô tại cùng thời điểm năm 2019 và lượt khách du lịch từ Trung Quốc tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ và cao hơn 60,6% so với tháng 1/2019, doanh số bán lẻ các lĩnh vực tiêu dùng liên quan đến du lịch vẫn thấp hơn 14 -15% so với tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này.

Tăng trưởng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, lữ hành đạt lần lượt 10,2% và 18,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 14,7% và 52,5% trong năm 2023.

 

Một điểm đáng lưu ý là lạm phát trong tháng 1/2024 tăng cao nhất kể từ tháng 9/2023, tuy nhiên, VDSC cho rằng dữ liệu lạm phát cũng đang thể hiện sức cầu yếu của thị trường trong nước.

Cụ thể, chỉ số lạm phát chung tăng 0,31% so với tháng trước và 3,37% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và biến động giá dầu thì lạm phát chung trong tháng 1/2024 ước chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Trong tháng 1/2024, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2024, diễn biến này khớp với kỳ vọng của chúng tôi. Hiện tại, thời điểm điều chỉnh giá điện và mức độ tăng giá chưa được công bố, tuy nhiên, chúng tôi ước tính mức tăng giá điện có thể vào khoảng 5-8%. Đồng thời, mức tăng này đã được phản ánh vào dự báo lạm phát cả năm của VDSC ở mức 3,3%.  

Ngày 29/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết trước đó của Quốc hội.

Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, sẽ được duy trì mức thuế VAT ưu đãi 8% (tức giảm 2%) đến giữa năm 2024. Tuy nhiên, một số mặt hàng gồm: viễn thông; tài chính - ngân hàng; chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than) không thuộc nhóm được ưu đãi thuế.

Việc giảm VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra thuộc đối tượng giảm VAT. Các tổng công ty, tập đoàn thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế đối với than khai thác bán ra.

Với trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu VAT hoặc đối tượng chịu thuế 5%, thì thực hiện theo quy định và không được giảm VAT.

Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ (người nộp thuế sẽ không trực tiếp đi nộp mà tiền thuế sẽ được trừ vào thu nhập hoặc chi phí mua hàng của người nộp thuế) được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% trên tỷ lệ % để tính thuế khi xuất hóa đơn.  

 

Anh Đào