|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương sẽ tăng cường tìm hiểu công nghệ thăm dò, khai thác Bể than sông Hồng

18:35 | 20/03/2024
Chia sẻ
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp than được Thủ tướng phê duyệt trước đó, Việt Nam đặt mục tiêu tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò bể than sông Hồng đến năm 2030.

Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.    

Theo Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ được giao tăng cường nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn và sử dụng than, quản trị tài nguyên than, quản trị môi trường, quản lý kỹ thuật an toàn và điều hành sản xuất than (đặc biệt là công nghệ đào chống lò, khai thác than dưới mức -300m Bể than Đông Bắc; công nghệ thăm dò, khai thác Bể than sông Hồng) phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Vụ Dầu khí và Than được giao chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng than rà soát, hoàn thiện các quy định về dự trữ than với chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; trong đó có tính đến dự phòng để ứng phó với những trường hợp rủi ro trong việc nhập khẩu than, biến động cực đoan của thời tiết.

Đơn vị này cũng cần nghiên cứu các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, tiến tới xóa bỏ mọi rào cản dể đảm bảo giá than minh bạch do thị trường quyết định. Nhiệm vụ khác nữa là chỉ đạo tập trung hóa sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các mỏ có quy mô sản lượng lớn.

Bộ Công Thương cũng giao các đơn vị thúc đẩy việc đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi công bằng cho ngành than phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. 

Vụ Khoa học công nghệ được giao nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu giữ và và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất, sử dụng than.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có nhiệm vụ nghiên cứu chuyển đổi công nghệ đốt than sang đốt kèm than với nhiên liệu sinh khối, amoniac,... để hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp than được Thủ tướng phê duyệt, ban hành ngày 17/1, Việt Nam phấn đấu sản lượng khai thác than thương phẩm đạt 45-50 triệu tấn (không tính than bùn) năm 2030 sau đó giảm 7-10 triệu tấn trong 15 năm năm tiếp theo. 

Việt Nam cũng đặt mục tiêu  tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò bể than sông Hồng đến năm 2030. Nếu thử nghiệm thành công, sẽ đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm trước năm 2040.

Các địa phương có điểm than trữ lượng nhỏ được khuyến khích khai thác phục vụ nhu cầu tại chỗ. Than bùn được chú trọng làm nhiên liệu và phân bón cho ngành nông, lâm nghiệp. Các mỏ than lớn được khai thác theo tiêu chí xanh, hiện đại, sản lượng cao, an toàn, bền vững, tiết kiệm.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cải tạo nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có. Nhà máy sàng tuyển tập trung được xây dựng theo từng khu vực để chế biến than.

Than phục vụ sản xuất điện được kết hợp giữa sản xuất trong nước pha trộn nhập khẩu theo hướng tối đa chủng loại; đẩy mạnh khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính.

Thị trường than được hình thành với nhiều người bán, nhiều người mua, đa dạng nguồn (sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu) và đầu mối cung cấp. Việt Nam phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ các phân khúc sau năm 2030.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu than được vận hành phù hợp nhu cầu thị trường, đảm bảo tối đa nhu cầu, nhất là cho sản xuất điện. Dự trữ than cũng được xem xét.              

Anh Đào