|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bloomberg: Vì sao giá trị vốn hoá VinFast lại lớn hơn cả Ford lẫn GM cộng lại?

07:12 | 31/08/2023
Chia sẻ
Theo phân tích từ chuyên gia, mức định giá hiện tại của VinFast là chưa bền vững bởi sự khan hiếm cổ phiếu VFS trên thị trường. Chỉ cần một động thái nhỏ cũng sẽ tác động rất lớn đến giá cổ phiếu của VinFast.

Nhà sản xuất xe điện của Việt Nam - VinFast, đang trở thành một hiện tượng trên sàn chứng khoán Mỹ. Kể từ giữa tháng 8 - thời điểm mà mã cổ phiếu VFS của VinFast giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq, giá trị vốn hoá của hãng xe điện đến từ Việt Nam đã tăng gần 700%, vượt xa rất nhiều ông lớn sản xuất ô tô Mỹ như General Motors (GM) hay Ford Motor.

Có thời điểm, giá trị vốn hoá của VinFast vượt 200 tỷ USD, lọt top 3 nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới và chỉ xếp sau hãng xe điện giá trị nhất thế giới là Tesla của tỷ phú Elon Musk và Toyota.

Theo lý giải của tờ Bloomberg, lý do lớn nhất là sự khan hiếm. Chỉ 1% cổ phiếu của VinFast được đưa ra giao dịch. Điều đó có nghĩa là nếu người mua mua được một lượng đủ lớn trong số ít cổ phiếu đó có thể có tác động lớn đến giá chung của VFS. Nó cũng đã lọt vào tầm ngắm của các nhà kinh doanh bán lẻ - những người có cảm hứng với các nhà sản xuất xe điện tiềm năng.

Nhà phân tích David Blennerhassett nhận định: “Mức định giá hiện tại của VinFast là chưa bền vững. Bởi vì có quá ít cổ phiếu VinFast nên bất kỳ ai giao dịch cũng sẽ động lớn tới giá trị của nó, thậm chí mua 50.000 cổ phiếu cũng có ảnh hưởng rất lớn". 

 Diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast. (Nguồn: TradingView).

Với một công ty còn non trẻ, trong khi ngành sản xuất ô tô từ lâu vẫn được xem là một ngành thâm dụng vốn lớn, thì việc VinFast chưa thể có lợi nhuận ngay là điều dễ hiểu. Theo hồ sơ, ban lãnh đạo cũng thừa nhận công ty sẽ chưa thể có lợi nhuận trong ngắn hạn khi VinFast đang chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất xe, xây dựng nhà máy tại Mỹ và thúc đẩy tiếp thị, bán hàng và dịch vụ.

Theo công bố, nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina của VinFast đã bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 7, dự báo doanh số sẽ đạt 45.000 đến 50.000 chiếc trong năm nay. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo dự đoán công ty sẽ hòa vốn vào cuối năm 2024 và có thể có lãi sau năm 2025. 

Tuy vậy, Bloomberg cho rằng với tỷ lệ cổ phiếu thả nổi tự do nhỏ như của VFS, mọi thứ vẫn còn khó lường hơn trong tương lai. Và tờ báo cũng không loại trừ khả năng giá trị của VinFast sẽ sớm về mức hợp lý hơn, không còn bay cao như hiện tại.

Ken Shih, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản khu vực Trung Quốc đại lục của Saxo Markets cho rằng: “Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với sự biến động giá cả".

Theo nhà phân tích Tyler Mạnh Dũng Nguyễn của Maybank, VinFast vẫn là một hãng xe điện tương đối mới và sẽ cần thời gian và tiền bạc để xây dựng thương hiệu cũng như tăng doanh số bán hàng. Những thách thức mà công ty phải đối mặt bao gồm tình trạng thiếu chip toàn cầu, lạm phát gia tăng và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự cạnh tranh từ những đối thủ lâu đời trong lĩnh vực xe điện như Tesla, Ford hay GM.

Thùy Trang