|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hậu lên sàn chứng khoán Mỹ: Giá trị vốn hoá cao là chưa đủ, VinFast còn nhiều việc phải làm

15:26 | 22/08/2023
Chia sẻ
VinFast đang đẩy nhanh việc bán xe điện ra thị trường Mỹ thông qua hợp tác với các đối tác lớn, đại lý ô tô,... Đồng thời, công ty tiếp tục hoàn thiện phần mềm, tiếp nhận những phản hồi từ phía người dùng.

Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến màn niêm yết lớn nhất lịch sử của một công ty xe điện. Ngày 16/8, VinFast - hãng ô tô Việt Nam, đã bắt đầu bán cổ phiếu lần đầu trên Nasdaq với mã VFS. Ngay khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu VinFast tăng 68% đạt 37,06 USD/cổ phiếu. Với mức giá này, uớc tính giá trị vốn hóa của VinFast đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD.

Những ngày sau đó, cổ phiếu VinFast đã có sự trồi sụt theo biến động thị trường, tuy nhiên tổng thể diễn biến trong ngày đầu lên sàn có thể cho thấy hai điểm: Cổ phiếu VinFast tăng trưởng tốt và công ty ô tô điện Việt Nam nhật được nhiều sự chú ý từ cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.

 Biểu đồ biến động giá cổ phiếu VFS của VinFast. (Ảnh: TradingView).

Một điểm nữa khiến giá cổ phiếu VinFast tăng cao trong ngày đầu lên sàn có thể là do công ty đã hạn chế số lượng cổ phiếu có sẵn trên thị trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá VFS tăng cao, theo tờ Rest of world.

Cùng quan điểm, tờ Bloomberg lý giải tập đoàn Vingroup và hai doanh nghiệp khác do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm tổng cộng hơn 99% cổ phần VinFast. Do đó, mặc dù có hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành nhưng VinFast chỉ tung ra khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong số đó cho nhà đầu tư có thể mua bán tự do trên sàn chứng khoán.

Giải thích hiện tượng này, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast toàn cầu, khi chia sẻ với chúng tôi cũng nhìn nhận có hai lý do: 

“Thứ nhất, thị trường nhận ra được giá trị của VinFast. Đây là lần đầu tiên VinFast ra nói chuyện với thị trường về tiềm năng, những việc đã làm trong 6 năm vừa qua. Từ đó, những người trong ngành khi nhìn thấy khối lượng công việc VinFast làm được đã thấy được sự cố gắng rất lớn vì kết quả đó vượt nhiều mốc trong ngành.

Lý do thứ hai, lớn hơn tôi nghĩ là vì số lượng cổ phiếu đang lưu hành không nhiều lắm, nhu cầu lại cao nên cổ phiếu bị đẩy giá lên là vì thế. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành khoảng 4,5 triệu cổ phiếu tuy nhiên số lượng giao dịch lên tới gần 6,8 triệu cổ phiếu, chứng tỏ là đã có những người quay đi quay lại. Càng như vậy thì giá cố phiếu càng tăng. Nói gì thì nói, đây cũng là hoạt động của thị trường”.

Bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast. (Ảnh: Thuy Le/LinkedIn).

Tờ Bloomberg dự báo, ngay khi cổ phiếu được giao dịch nhiều hơn, giá VFS có thể giảm xuống. “Do đó, đó là lý do tại sao con số vốn hoá VinFast lại gây hiểu lầm. Gần như công ty chưa thể thực sự huy động được 85 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu VinFast”, tờ báo viết.

Theo CEO VinFast, đây cũng là thực tế đã nằm trong kế hoạch của công ty trước khi lên sàn. Bà Thuỷ nói rằng nhờ sự hỗ trợ tài chính từ ông Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup, VinFast đã có thể gỡ bỏ được gánh nặng huy động vốn, từ đó đặt mục tiêu duy nhất là lên sàn chứng khoán Mỹ.

Đây có thể nói là bước đi để đưa VinFast trở thành hãng xe điện toàn cầu như những gì công ty đặt ra. Ngoài ra, việc niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq “có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô điện vẫn còn sơ khởi và đang phát triển”.

Không bàn đến giá trị vốn hoá hay cổ phiếu tăng giảm, tờ Rest of world lại đưa ra một vấn đề khác thiết thực hơn cho nhà sản xuất ô tô đến từ Việt Nam, đó là sau lên sàn, VinFast sẽ bán ô tô tại Mỹ như thế nào?

Bắt đầu tư cuối năm ngoái, VinFast đã xuất khẩu gần 3.000 ô tô điện tới Bắc Mỹ. Tuy nhiên, theo Reuters và các tờ báo khác ghi nhận, công ty đã rời lịch giao xe cho khách hàng hai lần liên tiếp.

Khi ấy, bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết nguyên nhân đến từ pin và phần mềm. “Trên thực tế, gần đây chúng tôi đã tập trung nhiều hơn vào phần mềm cho thị trường Mỹ. Nhiều lỗi đã được giải quyết trong phiên bản bán ra tại Mỹ. Và những điều chỉnh này sẽ sớm được cập nhật tại Việt Nam”, bà Thuỷ nói.

Mới đây, trao đổi với chúng tôi sau ngày đầu tiên lên sàn Nasdaq, CEO VinFast một lần nữa khẳng định công ty đang đi đúng lộ trình bán xe tại Mỹ. Bà Thuỷ cho biết hiện tại doanh số VinFast ở Mỹ vẫn còn khiêm tốn và tiềm năng tăng trưởng tại thị trường này rất lớn khi nhiều người sẵn sàng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

VinFast vẫn tiếp tục lắng ghe các phản hồi của khách hàng để khắc phục các lỗi của xe. Để làm được điều này, thờ gian qua VinFast đã làm việc với nhiều đối tác lớn, sẵn sàng đặt hàng dùng thử giúp gia tăng doanh số.

Về chiến lược cạnh tranh, ban lãnh đạo VinFast cho biết sẽ tập trung vào sản phẩm đầu tiên, thứ hai là giá cả và cuối cùng là dịch vụ. Bà Thuỷ tự tin khẳng định không có nhiều hãng xe điện trên thế giới có sản phẩm ô tô trải đủ các phân khúc như VinFast.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, chỉ có Tesla là có khả năng sản xuất thực sự. Do đó, CEO Lê Thị Thu Thuỷ nhận định khả năng sản xuất của VinFast cũng vượt trội so với đối thủ trong bối cảnh “các công ty khác trong năm vừa qua gặp rất nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng, sản xuất chất lượng,…”

 Khách hàng xem ô tô điện VinFast. (Ảnh: Đức Huy).

Chiến lược kinh doanh của VinFast trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục sử dụng thị trường Việt Nam làm nền tảng trong khi với việc “go global” (ra quốc tế), công ty chọn Mỹ là nơi xuất phát.

Bên cạnh đó, VinFast đang tìm cách để đưa sản phẩm sang châu Âu, ASEAN và Trung Đông. VinFast đặt mục tiêu cuối năm 2024 sẽ hoà vốn, và nếu không có sự cố bất ngờ, công ty vẫn đang theo đuổi kế hoạch này.

Tờ Reuters mới đây cho biết VinFast đã chuyển hướng kinh doanh khi muốn bán xe thông qua các đại lý tại Mỹ. Các đại lý nói rằng họ sẵn sàng chào đón VinFast, nhưng cũng chia sẻ rằng họ cần biết thêm chi tiết về kế hoạch của công ty, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu, kế hoạch phân phối phụ tùng và chính sách bảo hành.

Các đại lý ô tô cho biết có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, bao gồm cả việc VinFast sẽ phân phối các phụ tùng cần thiết để sửa chữa trong trường hợp xe của họ gặp vấn đề như thế nào.

Tờ Rest of world nhận định với thị trường Mỹ, ô tô điện thực sự là một ngành kinh doanh đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, con đường thành công sẽ khó khăn hơn so với mong đợi của các nhà đầu tư. Ngay cả những thương hiệu xe điện mạnh như BYD của Trung Quốc cũng đang phải vật lộn để mở rộng bên ngoài châu Á.

“Với điều này, việc giá cổ phiếu VinFast tăng cao trong ngày đầu chào sàn giống như một chiến thắng của kỹ thuật tài chính hơn là kỹ thuật cơ khí. Và VinFast, rất cỏ thể sẽ sử dụng tiếng vang cũng như số tiền này để có thể xoay chuyển tình thế, trở thành một hãng xe điện thực thụ trên thị trường ô tô Mỹ trong tương lai”, tờ báo nhận xét.

Đức Huy

Bầu Đức: Bằng mọi cách phải xóa lỗ lũy kế trong năm 2024
Công ty đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển 280 tỷ, con số này chưa thể giúp doanh nghiệp xóa lỗ lũy kế nhưng bầu Đức khẳng định sẽ bằng nhiều cách để xóa lỗ trong năm nay.