|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Mỹ hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam cũng chính là giúp doanh nghiệp Mỹ

18:07 | 01/09/2021
Chia sẻ
Để kịp nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm, doanh nghiệp Mỹ nên tiếp tục kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden hỗ trợ thêm vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Chuỗi cung ứng nháo nhào vì dịch bệnh ở Việt Nam

Bloomberg cho rằng, Việt Nam đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Khó khăn đang dần hiện rõ trong dữ liệu thương mại và sản xuất của Việt Nam, trong đó chỉ số PMI tháng 8 vừa tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong 53 nền kinh tế thuộc bảng xếp hạng COVID Resilience Ranking của Bloomberg, 5 nước xếp cuối cùng đều ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang và tỷ lệ tiêm vắc xin chưa cao, Việt Nam đang ở vị trí thứ 50, giảm 4 bậc so với tháng trước.

5 quốc gia nêu trên cung ứng khoảng 6% hàng hóa xuất khẩu trên toàn cầu, đồng thời là nguồn cấp linh kiện quan trọng cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới, theo ước tính của ngân hàng Natixis. Đặc biệt, các nước này chiếm khoảng 50% nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ.

'Doanh nghiệp Mỹ nên kêu gọi ông Biden hỗ trợ thêm vắc xin cho Việt Nam' - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng tại Việt Nam không chỉ là mối lo của người dân trong nước, mà còn là vấn đề của nền kinh tế toàn cầu. Từ trước khi làn sóng COVID-19 thứ 4 tấn công Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế vốn đã phải vật lộn với giá cước vận tải cao ngất.

Giờ đây, họ còn phải ra sức bảo vệ công nhân tại các nhà máy ở Việt Nam cũng như phải gỡ rối cho chuỗi cung ứng, đặc biệt là khi một số cảng biển lớn hoặc hoạt động sản xuất ở các nhà máy khác tại châu Á bị đình trệ.

Tình hình còn cấp bách hơn khi mùa mua sắm cuối năm sắp đến gần, doanh nghiệp phải nhanh chóng gia công đơn hàng cho kịp tiến độ, Bloomberg thông tin thêm.

"Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng cho kỳ mua sắm sắp tới. Trẻ em Mỹ thậm chí sẽ không có cơ hội mở quà Giáng sinh…", ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), nhấn mạnh.

Như muối bỏ bể

Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa có chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 24 - 26/8. Tại Hà Nội, nữ phó tổng thống đã đại diện Washington gửi tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin, bên cạnh 5 triệu liều đã trao tặng trước đó.

Trong chuyến thăm, bà Harris cũng cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ thiết bị y tế cho Mỹ trong giai đoạn đầu của đại dịch. Bà còn thông báo quyết định mở văn phòng đại diện của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Mỹ) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Theo Nhà Trắng, Mỹ còn viện trợ thêm 23 triệu USD để giúp đỡ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, nâng tổng khoản viện trợ từ trước đến nay lên khoảng 44 triệu USD.

'Doanh nghiệp Mỹ nên kêu gọi ông Biden hỗ trợ thêm vắc xin cho Việt Nam' - Ảnh 2.

Phó Tổng thống Kamala Harris tại buổi tiếp nhận 1 triệu liều vắc xin mà Mỹ tặng thêm cho Việt Nam, ngày 26/8. (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ cũng không chưa thể thay đổi thực tế rằng chưa đến 3% dân số Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ và tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong hàng ngày đang ở mức cao.

Trước khi bà Harris đặt chân đến Việt Nam, chính phủ Trung Quốc đã trao tặng nước ta 2,7 triệu liều vắc xin, trong đó ưu tiên 500.000 liều cho các công dân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu sang Trung Quốc công tác hoặc học tập và cư dân sống dọc biên giới Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tiêm chủng cho công nhân tại các nhà máy, từ Samsung Electronics ở miền bắc đến Intel và các cơ sở may mặc ở TP HCM.

Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng Giám đốc công ty nội thất Phú Tài (Mã: PTB), cho hay: "6 triệu liều vắc xin [mà Mỹ trao tặng Việt Nam] là con số nhỏ đối với một cường quốc sản xuất vắc xin…"

"Rất nhiều công ty Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành kịp đơn hàng cho kỳ nghỉ lễ cuối năm, vì vậy việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam chính là giúp đỡ doanh nghiệp nước họ", ông Hòe chia sẻ với Bloomberg.

Kêu gọi Mỹ hỗ trợ thêm cho Việt Nam

Liên quan đến vấn đề vắc xin, ông Csaba Bundik - CEO của hãng tư vấn CETA Consulting (Hà Nội) kiêm cựu Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (AuCham), gợi ý: "Các doanh nghiệp lớn của Mỹ nên kêu gọi Pfizer và Washington nhanh chóng cung ứng thêm vắc xin cho Việt Nam. Điều này sẽ giúp họ duy trì hoạt động sản xuất".

Hành động trao tặng vắc xin là "một dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden đã lắng nghe những lo lắng của chúng tôi", ông Steve Lamar - Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Giày dép và May mặc Mỹ, chia sẻ với Bloomberg.

"Dù vậy, vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến với COVID-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu bật những khó khăn mà các nước đối tác phải đối mặt và kêu gọi chính phủ Mỹ tiếp tục cung ứng vắc xin cho Việt Nam", ông Lamar nhấn mạnh.

Khả Nhân