Biến động điên cuồng của bitcoin liệu có 'lây nhiễm' cho các tài sản khác?
Rất có khả năng giá tiền mã hóa sẽ tiếp tục biến động mạnh. Tuần trước, giá bitcoin dao động từ 30.000 đến 44.000 USD. Nhiều người đang tự hỏi liệu giá bitcoin liên tục nhảy múa liệu có gây rắc rối cho những cổ phiếu và trái phiếu hay không. Nói cách khác, liệu có "rủi ro lây nhiễm" (contagion risk) giữa bitcoin và các tài sản tài chính khác không?
Theo Bloomberg, nếu xét trong phạm vi hẹp, câu trả lời là không. Nhưng đáp án sẽ trở nên phức tạp nếu xét trong phạm vi rộng hơn, đặc biệt là khi cân nhắc việc sở hữu chéo tài sản, đòn bẩy và hoạt động của thị trường.
Dưới đây là 4 câu hỏi nhà đầu tư cần lưu ý:
Liệu tiền mã hóa có tiếp tục biến động ?
Có. Sự biến động dai dẳng của tiền mã hóa là hệ quả của một cuộc chiến giằng co sẽ ngày càng căng thẳng và đa chiều hơn.
Một trong những khía cạnh đáng chú ý của tiền mã hóa trong năm nay, đặc biệt là bitcoin, là sự giằng co giữa khu vực công với khu vực tư và trong bản thân mỗi khu vực. Hiện tượng này nhiều khả năng sẽ càng trở nên dữ dội trong thời gian tới.
Cho đến khoảng 10 ngày trước, khu vực tư có vẻ như đang tự củng cố quá trình chấp nhận bitcoin như một phương thức thanh toán và lưu trữ giá trị. Động lực lớn nhất đến vào tháng 2, khi Elon Musk thông báo Tesla đã mua 1,5 tỷ USD bitcoin và cho phép khách hàng mua xe bằng đồng tiền này.
Động thái trên khuyến khích các doanh nghiệp khác làm theo, đẩy giá bitcoin lên cao và thu hút thêm nhà đầu tư, Bloomberg cho biết.
Động lực trên bị lung lay khi Elon Musk dường như nguội lạnh với bitcoin và khu vực công có phản ứng lớn.
Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương vẫn lo ngại về rủi ro tiền mã hóa gây ra với an ninh quốc gia và sự ổn định tài chính, kinh tế. Những mối lo lâu dài tập trung vào các khoản thanh toán bất hợp pháp, rủi ro lớn với nhà đầu tư, nguy cơ phá hoại tính hiệu quả của chính sách tiền tệ và thay thế tiền pháp định.
Một số nước có ảnh hưởng lớn như Anh và Trung Quốc đang nghiêm túc nghiên cứu việc phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Càng đạt được nhiều tiến triển trong lĩnh vực này thì các quốc gia sẽ càng có khuynh hướng gia tăng áp lực pháp lý lên tiền mã hóa phân tán như bitcoin. Rất có thể đây là động lực đằng sau những lệnh cấm của Trung Quốc với bitcoin trong thời gian vừa qua.
Có mối liên hệ chính thức mạnh mẽ nào giữa tiền mã hóa và các loại tài sản truyền thống không?
Nhìn chung là không. Cho đến nay, chứng khoán và tiền mã hóa hoạt động trong hệ sinh thái của riêng mình.
Dựa trên các thuộc tính cơ bản, tiền mã hóa không phải vật thay thế tài chính hay vật chất của cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa. Tuy một số người cho rằng bitcoin sẽ trở thành một loại tiền tệ toàn cầu phi tập trung được sử dụng rộng rãi trong thanh toán và tiết kiệm, khả năng này đòi hỏi bitcoin phải mất nhiều năm để đạt được sự trưởng thành và sự ổn định giá tương đối. Ngoài ra tiền mã hóa cũng sẽ phải tìm ra giải pháp cho vấn đề tiêu tốn năng lượng khổng lồ.
Liệu có mối liên hệ không chính thức nào không?
Có, và chúng đang ngày càng lớn lên trong bối cảnh đòn bẩy gia tăng.
Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ cực kỳ thấp, cũng như triển vọng giá không thuận lợi, một số nhà đầu tư coi tiền mã hóa là công cụ tốt hơn để đa dạng hóa danh mục đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu quá lớn. Số khác thì xem việc đầu tư trong các sàn giao dịch tiền mã hóa là một phần chiến lược của họ.
Rủi ro lây nhiễm gia tăng khi ngày càng nhiều nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục bằng tiền mã hóa, đặc biệt khi là khi họ sử dụng đòn bẩy cao, còn các nền tảng giao dịch gặp áp lực. Tuần trước, một số sàn giao dịch tiền mã hóa lớn bị "sập" khi giá bitcoin rớt thảm.
Lịch sử có rất nhiều ví dụ nhà đầu tư không thể bán loại tài sản họ muốn – để bảo vệ danh mục chung, huy động tiền hoặc cả hai – nên chuyển sang bán ra khoản đầu tư khác với thuộc tính khác hẳn.
Rủi ro lây nhiễm lớn đến đâu?
Nếu chỉ xét độc lập, rủi ro lây nhiễm không lớn nhưng nó trở nên đáng chú ý hơn khi đánh giá cùng với những gì đang diễn ra trên thị trường.
Cho đến nay, bitcoin chưa tạo thành rủi ro hệ thống độc lập. Nhiều ngân hàng dường như có rất ít hoặc không có rủi ro liên quan tới bitcoin trong bảng cân đối kế toán. Do đó, bất kỳ biến động đột ngột nào của bitcoin sẽ có rất ít tác động lan tỏa trực tiếp. Đó là tin tốt.
Tin xấu là đà tăng của bitcoin – giá tăng hơn 290% trong 12 tháng qua – là một phần của xu thế "mọi thứ đều tăng giá" trong thị trường tài chính, được thúc đẩy bởi thanh khoản dồi dào do các ngân hàng trung ương cung cấp.
Với việc nợ ký quỹ đồng thời gia tăng nhanh chóng, những người tham gia thị trường và cơ quan tài chính càng phải để mắt đến nguy cơ tai nạn tài chính xảy ra, đặc biệt là khi quá nhiều người đang chấp nhận quá nhiều rủi ro.