|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc siết chặt quản lý, thợ đào bitcoin sắp hết đất sống

06:30 | 24/05/2021
Chia sẻ
Trung Quốc hiện đang là 'thiên đường' của thợ đào bitcoin song viễn cảnh u ám đang đợi chờ trong tương lai rất gần.

Mỏ đào bitcoin của Patrick Li từng ngập tràn tiếng ồn từ hàng dài máy tính hoạt động hết công suất để giải những thuật toán phức tạp vốn rất cần thiết để duy trì vận hành đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới.

Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 1.

Một nhà máy đào bitcoin ở Trung Quốc với nhiều hàng dài máy tính. (Ảnh: Sixth Tone)

Patrick Li, năm nay 39 tuổi, đặt mỏ đào của mình ở khu tự trị Nội Mông. Nơi đây từng đón chào các mô hình kinh doanh như của Li vì tận dụng được lượng điện dồi dào của địa phương.

Dù vậy, năm ngoái, chính phủ Trung Quốc phạt Nội Mông vì không đạt được mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải từ tiêu thụ điện. Kết quả là, vào tháng 3 năm nay, Nội Mông quyết định cấm các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, bao gồm cả các mỏ đào bitcoin.

"Mọi thứ rất đột ngột", Li chia sẻ với Sixth Tone. "Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài tìm một địa điểm mới".

Chính sách đảo chiều khiến cộng đồng đào bitcoin ở Trung Quốc không khỏi mông lung với câu hỏi liệu họ còn có thể hoạt động tại quốc gia này trong bao lâu, nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa mục tiêu đạt trạng thái trung hoà carbon là một mục tiêu chính của chính phủ.

Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, số phận của bitcoin ở Trung Quốc cũng chưa rõ ràng. Hồi tháng 4, ông Li Bo, phó chủ tịch ngân hàng trung ương Trung Quốc, nói với truyền thông nước này rằng giới chức vẫn đang quyết định các biện pháp quản lý áp dụng đối với tiền ảo.

Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 2.

(Số liệu: CBECI, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Những gì xảy ra ở Trung Quốc sẽ có tác động trên toàn cầu. Tỷ trọng năng lực xử lý thuật toán (hash rate) của Trung quốc chiếm tới 69,3% trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo Chỉ số Tiêu thụ điện năng cho Bitcoin của Cambridge (CBECI).

Hồi tháng 4 năm nay, một tai nạn chết người khiến giới chức ở khu tự trị Tân Cương phải đóng cửa hầm mỏ để kiểm tra an toàn, gây gián đoạn điện năng cung cấp tới các mỏ đào bitcoin. Kết quả là hash rate trên toàn cầu đã giảm tới 30%. Đây là một ví dụ nhắc nhở về vai trò trung tâm của Trung Quốc trong "cuộc chơi" bitcoin.

Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 3.

Giống nhiều đồng tiền hoạt động trên công nghệ blockchain khác, bitcoin là đồng tiền phi tập trung, đồng nghĩa với việc không có một ngân hàng trung ương hay một quốc gia nào kiểm soát nó.

Thay vào đó, các mỏ đào sử dụng năng lực xử lý điện toán để xác nhận giao dịch. Đổi lại, họ nhận được bitcoin. Năm 2013, Li nhận thấy đây là một cơ hội kinh doanh. Anh dành tiền lương một tháng để mua máy tính, bắt đầu đào bitcoin với hy vọng đạt được "tự do tài chính".

Dĩ nhiên, thời điểm đó, Li không phải người duy nhất nhận ra cơ hội. Là quốc gia sản xuất điện hàng đầu, dễ dàng mua được các thiết bị cần thiết và chính phủ địa phương hào hứng với những ngành công nghiệp "công nghệ cao" khiến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu ở mảng tiền điện tử như hiện tại.

Suốt nhiều năm qua, Li chứng kiến nhiều người thành triệu phú nhờ bitcoin và cũng không ít giấc mơ tan vỡ. Điều hối hận duy nhất của anh là đã bán số bitcoin mà lẽ ra anh nên giữ đến tận hôm nay.

Bitcoin được lập trình để tạo ra sự cạnh tranh. Vì thế, mỏ đào nào giải thuật toán nhanh  nhất sẽ nhận được "phần thưởng". Thực tế này khiến các mỏ đào liên tục nâng cấp năng lực máy tính, đồng nghĩa với điện năng tiêu thụ nhiều hơn. May mắn cho họ là giá bitcoin cũng tăng lên. Vào đầu năm 2013, khi Li bắt đầu đào bitcoin, 1 bitcoin có giá 13,40 USD. Với mức giá quy đổi trên 50.000 USD ở nhiều thời điểm trong năm 2021, đào bitcoin vẫn là một ngành có lãi.

Dù vậy, môi trường phải hứng chịu hậu quả. Một báo cáo đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications số tháng 4 kết luận rằng ngành công nghiệp đào bitcoin ở Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho 130 triệu tấn phát thải khí carbon cho tới năm 2024, vượt qua tổng lượng khí nhà kính mà Cộng hòa Czech thải ra.

Nhu cầu năng lượng lớn của ngành đào bitcoin quyết định nơi nào có thể mang lại lợi nhuận. "Giống như những kẻ du mục tìm nơi có cỏ và nước, thợ đào bitcoin tìm nơi có nguồn năng lượng ổn định và rẻ", ông Liu Fei, CEO Bixin Mining, chia sẻ.

Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 4.

Một nhà máy đào bitcoin gần một trạm thuỷ điện ở Tứ Xuyên. (Ảnh: Sixth Tone)

Thợ đào bitcoin Trung Quốc thường tìm đến những nơi có lợi thế về thuỷ điện vào mùa mưa và chuyển sang những nơi có thể mạnh về nhiệt điện vào mùa khô. Một số người thậm chí chấp nhận những rủi ro lớn để có được lợi thế về nguồn năng lượng. Năm ngoái, giới chức phát hiện ra một mỏ đào bitcoin giả dạng nghĩa trang để lấy trộm điện từ một công ty gần đó.

"Thực tế rằng ai có năng lượng rẻ sẽ có nhiều khả năng đào bitcoin hơn cho thấy bitcoin là một đồng tiền năng lượng", Xu Peng, giáo sư kỹ thuật điện máy ở Đại học Tongji, nhận định.

Một giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề năng lượng của bitcoin là thay thế cơ chế đào bitcoin hiện tại dưới hình thức bằng chứng công việc ("proof of work") sang bằng chứng cổ phần ("proof of stake) – một cách xác nhận giao dịch không tồn nhiều năng lực thuật toán.

Dù vậy, ông Xu nói rằng đặc tính phi tập trung của bitcoin khiến thay đổi này khó thực hiện. Bên cạnh đó, thợ đào bitcoin cũng không đồng ý với thực tế khiến những cỗ máy đắt đỏ của họ thành vô dụng. Bên cạnh đó, định giá cao của bitcoin phản ánh chi phí đào của nó. "Giống vàng, bitcoin hiếm vì việc đào nó khó và đắt", ông Liu Fei nói.

Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 4.

Các khu vực kém phát triển tại Trung Quốc mong muốn nhận được đầu tư từng có quan điểm chào đón với các mỏ đào tiền điện tử. Các khu vực này cho phép mỏ đào được đăng ký kinh doanh dưới hình thức trung tâm dữ liệu và được hưởng nhiều ưu đãi liên quan đến chi phí thuê đất và giá điện.

Cho tới tháng 2 năm nay, Nội Mông vẫn áp dụng chính sách "thang giá điện đảo chiều" cho các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Chính sách này thu hút nhiều mỏ đào bitcoin vì lượng điện tiêu thụ càng nhiều, chi phí điện năng càng thấp.

Thế nhưng, gió đang đảo chiều. Chính phủ Trung Quốc muốn giảm thiểu điện năng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính. Theo số liệu năm 2020, 85% điện năng ở Nội Mông đến từ nhiên liệu hoá thạch. 

Ở thành phố Ordos, nơi Li đặt mỏ đào, con số này là 94%. Với chính sách mới của chính phủ trung ương, các mỏ đào bitcoin chắc chắn sẽ là mục tiêu, bà Yang Zhou, một nhà tư vấn lĩnh vực chính sách năng lượng và khí hậu, chia sẻ. 

"Vì Nội Mông chưa thay đổi cách cung cấp năng lượng, khu vực này chỉ còn cách cắt giảm nhu cầu để đạt được mục tiêu kiểm soát phát thải", bà nói thêm

Ông Guan Dabo, giáo sư Đại học Thanh Hoa đồng thời là tác giả nhiều nghiên cứu tính toán lượng khí thải carbon mà bitcoin gây ra, nói rằng, với ông, những nhược điểm của bitcoin vượt quá những lợi ích mà nó mang lại cho đất nước.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng ngày càng có xu hướng chung quan điểm với ông Guan. Hồi tháng 4, Bắc Kinh yêu cầu các trung tâm dữ liệu có hoạt động đào bitcoin phải công bố thông tin điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ siết chặt kiểm soát và phê duyệt các trung tâm dữ liệu vì quan ngại liên quan đến tiết kiệm năng lượng.

Một quan chức cho biết sự phát triển nhanh của các trung tâm dữ liệu "gây áp lực" lên khả năng kiểm soát khí thải carbon và khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong mùa cao điểm của thành phố.


Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 5.

Nhu cầu điện từ những mỏ đào bitcoin như thế này là rất lớn. (Ảnh: Sixth Tone)

Chính phủ trung ương Trung Quốc từ lâu luôn tỏ thái độ hoài nghi với tiền mã hoá. Năm 2013, ngân hàng trung ương Trung Quốc cấm các định chế tài chính sử dụng hoặc giao dịch bitcoin và các đồng tiền tương tự. 

Đến năm 2017, Trung Quốc đóng cửa toàn bộ các sàn giao dịch tiền mã hoá nội địa đồng thời cấm hoạt động phát hành tiền mã hoá mới, còn gọi là ICO. Dĩ nhiên, người Trung Quốc vẫn có thể giao dịch trên các sàn giao dịch tiền mã hoá nước ngoài với rủi ro môi trường điều hành ngày càng nghiêm khắc hơn.

"Chính sách Trung Quốc không công nhận tính chất tiền của bitcoin với lo lắng rằng nó có thể ảnh hưởng đến việc quản lý tiền tệ và hệ thống tài chính", ông Huang Zhen, giám đốc Viện luật tài chính tại Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương, nhận định. 

"Hiện tại, đồng tiền ảo duy nhất được công nhận là đồng nhân dân tệ số được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vận hành", ông nói thêm.

"Lợi ích của tài sản ảo đối với ngành kinh tế là gì? Chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề này với mức độ thận trọng cao", cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên từng chia sẻ.

Khi nói đến việc đào tiền mã hoá, chính phủ trung ương cũng đưa ra các chính sách chưa quá rõ ràng. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách của địa phương cũng khó dự đoán. Vì lý do này, Li nói rằng các thợ đào chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn bởi họ dự đoán được rằng những chiến lược dài hạn có thể sẽ không kịp thành hình.

Trường hợp của Li là mọt ví dụ. Mặc dù anh không bao giờ cho rằng Nội Mông sẽ cấm đào tiền mã hoá một cách đột ngột, vào năm 2019, Nội Mông đã thực hiện một cuộc điều tra nhắm vào các mỏ đào tiêu tốn nhiều năng lượng và lợi dụng chính sách chiết khấu giá điện. 

Tháng 8/2019, Nội Mông cấm 21 mỏ đào bitcoin tham gia vào mua bán điện, đồng nghĩa với việc họ không còn có thể được hưởng mức giá ưu đãi.

Trung Quốc siết chặt quản lý,  thợ đào bitcoin sắp hết đất sống - Ảnh 5.

Các nhà đầu tư đào bitcoin nói với Sixth Tone rằng thay đổi chính sách ở Nội Mông cũng sẽ sớm được áp dụng ở các khu vực khác có đặc điểm tương tự. Mối quan ngại tiếp theo của họ là Tân Cương, "nhà" của một phần ba hoạt động đào bitcoin trên thế giới.

Hồi trung tuần tháng 5, chính phủ trung ương đã đưa ra dấu hiệu đầu tiên về những gì sắp tới đối với các mỏ đào bitcoin. Tân Cương nằm trong số 7 khu vực cấp tỉnh bị khiển trách vì không kiểm soát được mức độ sử dụng năng lượng trong quý đầu năm. 

Chính phủ kêu gọi các tỉnh này "kiên quyết loạt bỏ các dự án không đạt chuẩn, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ra nhiều khí thải". Về cơ bản, đây chính là thông báo mà Nội Mông nhận được hồi năm ngoái.

Wu Jihan, một doanh nhân bitcoin và đồng sáng lập công ty chip đào Bitmain, chia sẻ trong một hội thảo của ngành này vào tháng 4 rằng họ cần bắt đầu sử dụng năng lượng sạch hoặc phải đối mặt với rủi ro rằng các tổ chức sẽ sớm hết hứng thù dành cho bitcoin "bẩn". Ông Wu kết luận rằng thuỷ điện có thể là một giải pháp.

Nhiều thợ đào dồn hết hy vọng ở hai tỉnh tây nam Trung Quốc vốn có lợi thế về thuỷ điện: Tứ Xuyên và Vân Nam. Thiếu hạ tầng để truyền tải điện khoảng cách xa, cách địa phương này thường phải "kìm hãm" năng lực sản xuất điện của mình. Điều này thu hút nhiều ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều năng lượng, từ các nhà máy hoá chất, nhôm cho tới mỏ đào tiền số.

Nhiều thợ đào chọn Tứ Xuyên làm điểm đến vì một chính sách có hiệu lực từ năm 2020. Chính sách này hỗ trợ ngành công nghệ blockchain trong 3 năm. "Tứ Xuyên có chính sách thân thiện nhất với mỏ đào bitcoin ở Trung Quốc", Yang Maohua, người có một mỏ đào ở tỉnh này, chia sẻ.

Dù vậy, các mỏ đào ở Tứ Xuyên cũng đang phải chịu sự giám sát. Nhiều nhà vận hành các đập phát điện nhỏ trong khu vực đã ký hợp đồng cung cấp điện giá rẻ trực tiếp cho các doanh nghiệp tiền điện tử. Zhao Lei, Giám đốc công ty State Grid địa phương, cho biết những thoả thuận này vi phạm quy định trật tự thị trường điện, cấu thành hành vi trốn thuế và đặt ra nhiều vấn đề về an toàn.

Bên cạnh đó, giá điện ở Tứ Xuyên cũng ngày một tăng. Dù quan điểm của chính phủ là chưa rõ ràng, tiềm năng lợi nhuận khiến nhiều người đổ xô đi đào bitcoin. Theo trung tâm giao dịch điện Tứ Xuyên, giá điện năm nay cao hơn năm ngoái 16%.

Nhiều người trong ngành nói rằng việc các mỏ đào bitcoin tiêu thụ lượng thuỷ điện dư thừa của Tứ Xuyên thực tế lại là một hành động thân thiện với môi trường. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu lập luận này còn đúng hay không khi ngày càng có nhiều mỏ đào vận hành ở đây cả năm. 

4/5 thuỷ điện ở Tứ Xuyên là theo mùa, tức là nó đến từ các đập phát điện không có hồ trữ nước để phục vụ cho mùa khô. Để đáp ứng nhu cầu trong các tháng mùa khô, nhà máy phát điện ở Tứ Xuyên đã phải tăng công suất 1/4 từ nhiên liệu hoá thạch và mua điện từ các tỉnh khác.

Thực tế trên cho thấy thuỷ điện cũng không phải một giải pháp thân thiện với môi trường cho đào bitcoin, ông Alex de Vries, nhà kinh tế học, người sáng lập website Digiconomist, chia sẻ.

Bên cạnh sự bất ổn định trong nguồn cung điện, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các mỏ đào bitcoin. Tháng 5/2020, mùa mưa tới trễ ảnh hưởng tới năng suất sản xuất điện. 

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điều hoà tăng mạnh vì nhiệt độ cao cũng khiến điện năng được ưu tiên cho người dân sử dụng. Các thợ đào không còn cách nào khác ngoài đóng cửa tạm thời. Ngay trong tháng này, một đợt thiếu hụt điện khác cũng khiến chính phủ Tứ Xuyên phải cơ cấu lại và cắt nguồn điện dành cho mỏ đào bitcoin.

Giá điện tăng cao và chính sách bất định khiến các mỏ đào phải tìm kiếm điểm đến tiếp theo của mình. Một số nhà đầu tư đang nhắm đến Bắc Mỹ, Trung Á và Tây Âu. Dù vậy, Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có thái độ "quay lưng" với bitcoin.

Patrick Li nói rằng anh sẽ chuyển mỏ đào của mình sang Tứ Xuyên ở thời điểm hiện tại nhưng bản thân anh cũng không chắc điều gì sẽ xảy ra khi chính sách ưu đãi tại đây kết thúc vào năm sau. Vào mùa khô, lượng điện khan hiếm sẽ khiến cạnh tranh khốc liệt hơn.

"Chúng tôi đoán rằng mùa mưa này sẽ là cơ hội tốt cuối cùng cho các mỏ đào ở Trung Quốc, sau đó, sẽ có nhiều thứ không thể đoán định được", Li chia sẻ.

"Chúng tôi tìm kiếm các mỏ đào ở nước ngoài với môi trường chính sách ổn định hơn", anh nói thêm.

Nam Khánh