|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí quyết dạy bốn con trở thành CEO

22:25 | 13/12/2019
Chia sẻ
Brock Blake (bang Utah, Mỹ) là CEO công ty cho vay tài chính Lendio. Nhờ cách giáo dục của mẹ, bốn trong bảy anh chị em của ông là CEO thành đạt.

Tổng thống Mỹ George Washington từng nói: "Mẹ tôi là người phụ nữ đẹp nhất trần đời. Thành công tôi có được ngày hôm nay đều nhờ sự giáo dục đạo đức, trí tuệ và thể chất nhận được từ bà". Đây cũng là câu trích dẫn tôi muốn dành tặng mẹ mình, người tạo nên ảnh hưởng đáng kể đến tôi và các anh chị em.

Cha mẹ tôi có bảy người con. Chị cả của tôi, Darcy, kết hôn với Chris Miller, người sáng lập tập đoàn tư vấn Allegis Advisor. 

Anh hai, Brett là CEO của nhãn hiệu trang sức Origami Owl. Anh ba, Brady, là giám đốc tiếp thị khách hàng cao cấp tại tập đoàn EA Sports. Anh tư của tôi, Dave, là nhà sáng lập, CEO của công ty dịch vụ phần mềm chăm sóc khách hàng ClientSuccess.

Anh năm, Mark hiện là luật sư cao cấp của tập đoàn Broadcom Limited. Và tôi, con trai út, là nhà sáng lập, CEO của Lendio, công ty cho vay tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Bí quyết dạy bốn con trở thành CEO - Ảnh 1.

Từ trái sang phải là Brady, Mark, Leon, bà Suzanne, Darcy, Brock, Brett. Ảnh: Brock Blake.

Như bạn có thể thấy, bốn trong bảy người con của mẹ tôi, Suzanne Blake, đều là CEO, nhà sáng lập các công ty riêng. 

Hai người còn lại, Brady và Mark không phải CEO nhưng khả năng không thua kém những thành viên khác. Tôi đề cập đến điều này không phải để khoe khoang về gia đình mà muốn chứng minh cho mọi người thấy sức ảnh hưởng to lớn của mẹ tôi lên những người con.

Mẹ tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ. Cha của bà nghiện rượu, thường xuyên đánh đập con gái. 

Gia đình mẹ tôi rất nghèo, bà phải làm việc cả ngày lẫn đêm để kiếm tiền ăn học. Có rất nhiều cám dỗ, lý do khiến mẹ tôi thất bại, nhưng bà không chấp nhận sự an bài của số phận, vượt qua khó khăn để tìm kiếm hạnh phúc và thành công.

Mẹ tôi kiên định, luôn cố gắng đạt được những mục tiêu mình đặt ra. Trong gia đình đông anh em, mẹ tôi là người duy nhất học đại học. Để trả tiền học phí, mẹ phải nhận làm thêm ngoài giờ học và các ngày nghỉ, nhưng bà chưa một lần nhụt chí và đã giành được bằng cử nhân.

Như bạn tưởng tượng, câu chuyện về cuộc đời của mẹ đã trở thành tấm gương thúc đẩy anh chị em tôi tư duy, phát triển và đạt thành công trong công việc lẫn cuộc sống. Tôi và các anh chị em đã cùng nhau thảo luận, rút ra những bài học giá trị được truyền dạy từ người mẹ kính mến của mình.

1. Giải quyết vấn đề và biết cách mặc cả

Anh năm của tôi, Mark Blake, cho rằng mẹ đã dạy chúng tôi rất nhiều bài học giá trị, nhưng quan trọng nhất đối với anh là giải quyết vấn đề và biết cách mặc cả. Chúng tôi lớn lên không có điện thoại thông minh, máy tính bảng hay thiết bị giải trí trong ôtô. 

Thay vào đó, bất cứ khi nào rảnh rỗi, ví dụ đi ôtô, mẹ sẽ giao cho anh chị em tôi những bài toán, trò chơi, câu đố để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. 

Từ bài học nhỏ này, chúng tôi dần hình thành khả năng tự giải quyết vấn đề, dù lớn hay nhỏ và sau này là mối quan tâm đến luật pháp, thủ tục hành chính.

Mẹ tôi cũng rất thích mua sắm nhưng chính xác hơn là thích được ngã giá. Mẹ thường đưa anh em tôi theo trong những lần đi mua hàng hay chính xác hơn là thăm dò thị trường, sau khi nắm bắt giá ở từng nơi, mẹ sẽ thỏa thuận với người bán để giành lợi nhiều nhất có thể. 

Thông qua những tình huống này, chúng tôi được dạy về sự chuyên nghiệp, cách đàm phán và công cụ đàm phán, những điều vô cùng quan trọng trong kinh doanh.

2. Làm việc chăm chỉ và lãnh đạo dựa trên giá trị

Từ quá khứ nghèo khó, mẹ tôi hiểu rõ giá trị của sự chăm chỉ, điều đã giúp mẹ  tốt nghiệp đại học, trở thành giáo viên và có cuộc sống gia đình đủ đầy. Mẹ dạy chúng tôi về sự chăm chỉ thông qua yêu cầu làm việc nhà sau giờ học và vào ngày nghỉ. 

Công việc nhà không hề dễ dàng và buồn tẻ hơn nhiều so với việc đi chơi cùng chúng bạn, nhưng chúng tôi chỉ được phép làm điều mình thích sau khi làm việc chăm chỉ. 

Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã học cách thực hiện công việc khó khăn và cảm thấy tự hào sau khi vượt qua. Dần dần, tác phong làm việc chăm chỉ đã ăn sâu vào máu của chúng tôi.

Bên cạnh đó, mẹ cũng dạy chúng tôi về nguyên tắc lãnh đạo dựa trên giá trị cá nhân bằng cách khuyến khích các con trở thành người lãnh đạo trong mọi hoạt động từ trò chơi, thể thao đến học tập. 

Mẹ đã nuôi dưỡng lòng can đảm, sự tự tin ở mỗi người con của mình và truyền cảm hứng cho chúng tôi bằng cách làm gương, dẫn dắt và động viên. Không chỉ vậy, mẹ nhắc nhở chúng tôi điểm cốt lõi khi trở thành nhà lãnh đạo là phải làm gương sáng, giữ danh dự và sự liêm chính. 

Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi thấy các anh tôi đều có khả năng lãnh đạo thuần thục và đạt vị trí cao ở công việc mà họ đảm nhận.

3. Nắm rõ vấn đề

Hầu hết bà mẹ rất giỏi giúp đỡ và nhắc nhở con cái thực hiện tốt vấn đề của mình, nhưng không phải ai cũng giúp con hiểu rõ lý do tại sao. Khi còn nhỏ, anh Brady bướng bỉnh, lười học. 

Mẹ không chỉ nhắc nhở, chỉnh đốn tác phong của anh mà tìm cơ hội giảng dạy cho anh hiểu lý do thực sự phải từ bỏ tật xấu này.

Ví dụ, khi mẹ nhắc anh Brady phải chăm chỉ học hành, bà sẽ kể câu chuyện của bản thân, từ đứa trẻ bị cha đánh đập trở thành giáo viên, mẹ của bảy người con đáng yêu. 

Khi muốn anh mở rộng sự sáng tạo, mẹ sẽ bộc lộ khả năng sáng tạo của bản thân thông qua việc sáng tác bài hát, vẽ tranh, trang trí nhà cửa. Mẹ không nhắc nhở chúng tôi hời hợt mà tận tâm giải thích, lấy ví dụ sinh động để chúng tôi nhận ra rằng những điều mẹ chỉ bảo không phải vì mục đích của cá nhân bà mà vì tương lai của chính chúng tôi.

Bí quyết dạy bốn con trở thành CEO - Ảnh 2.

Dave Blake chụp ảnh cùng mẹ Suzanne Blake. Ảnh: Brock Blake.

4. Tận dụng cơ hội

Mẹ là chủ nợ và cũng là nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên chịu rót vốn cho các hoạt động của Brett, ngay từ khi anh lên tám.

Anh hai của tôi được mẹ trả tiền công khi gấp quần áo. Nếu anh mải chơi, xao lãng, mẹ sẽ trừ "tiền lương". Khi anh học lớp 1, mẹ tìm cho anh công việc giao báo vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Khi anh học lớp 6, mẹ giới thiệu anh làm nhân viên ở cửa hàng tạp hóa nhỏ gần nhà. Rồi dần dần là những cơ hội giá trị hơn như người cắt cỏ thuê, giám thị trường học. Mẹ nói rõ rằng công việc không phải sự lựa chọn mà là cơ hội chúng tôi phải tận dụng để học cách kiếm tiền, kỹ năng mềm, kỹ năng phục vụ.

Mẹ không cho chúng tôi mọi thứ trên đời, nhưng cho chúng tôi cơ hội học cách đạt được mọi thứ. Và một trong những bài học ấy là nắm bắt mọi cơ hội ngay khi có thể vì thông qua mỗi trải nghiệm, chúng ta đều sẽ thu về được bài học hoặc kiến thức giá trị.

5. Xây dựng mối quan hệ

Đối với anh rể Chris Miller, có người mẹ vợ như mẹ tôi là vô cùng may mắn và tuyệt vời. Mẹ luôn nhắc nhở anh rể khi làm lãnh đạo, việc xây dựng các mối quan hệ là vô cùng quan trọng vì chúng sẽ mang lại ích lợi và niềm vui trong cuộc sống. Và mối quan hệ là giá trị cốt lõi giúp tập hợp cá nhân thành nhóm và liên kết với đối tác.

6. Hòa đồng với mọi người xung quanh

Là giáo viên, mẹ tôi từng gặp đủ loại người từ những đứa trẻ thông minh, những đứa trẻ vụng về đến những đứa trẻ cô độc. 

Không vì những ưu, khuyết điểm của học sinh mà mẹ tôi ghét bỏ chúng, ngược lại luôn yêu thương, quan tâm các em như nhau. Mẹ tôi cũng dạy chúng tôi phải có thái độ tôn trọng, hòa đồng với mọi người xung quanh dù họ là ai hay có xuất xứ như thế nào.

Chúng tôi không được phép bắt nạt người khác, coi thường người yếu thế hơn hay gây ra những hành động tổn thương mọi người bởi lẽ mẹ tin rằng điều cốt lõi trong cuộc sống này là sự quan tâm, yêu thương giữa con người với nhau.

Tú Anh