Bên cạnh món ăn, GrabFood cũng thăng hoa nhờ cà phê, trà sữa
"Buổi chiều, khi khách hàng bắt đầu thấy đói giữa bữa trưa và bữa tối, là lúc nhu cầu về các loại đồ uống trà sữa và cà phê tăng cao nhất," Saad Ahmed, trưởng bộ phận hợp tác phát triển kinh doanh Grabfood tại Singapore, bình luận. "Tần suất các bữa 'ăn vặt' như thế đang trở nên khá quan trọng với công ty".
Bữa sáng và bữa ăn đêm cũng là hai khoảng thời gian khách đặt nhiều đơn hơn trên GrabFood, bên cạnh các món ăn trưa và ăn tối, và GrabFood cho biết họ đang cố gắng tăng sự hiện diện của những đơn hàng vào hai khoảng thời gian này bằng cách cung cấp dịch vụ giao đồ ăn liên tục trong 24 giờ cho khách hàng.
Một đối tác giao hàng của GrabFool lấy trà sữa tại quán ở Singapore. Ảnh: Entrepreneur
"Chúng tôi thấy rằng khách hàng muốn nhận đồ ăn ngay lập tức khi có nhu cầu, bất kể thời điểm nào trong ngày, và chúng tôi hy vọng có thể có thể đáp ứng nhu cầu ấy", Ahmed nói.
Grab chỉ mới ra mắt dịch vụ kinh doanh giao đồ ăn ở Singapore vào năm 2016, nhưng đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường nước ngoài sau khi mua lại thị phần trong khu vực của Uber, gồm cả UberEats.
Xuất hiện trên hơn 200 thành phố khắp Đông Nam Á, GrabFoodlà nền tảng dẫn đầu thị trường tại năm trong sáu quốc gia nó cung cấp dịch vụ.
Tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á là Indonesia, GrabFood nhường vị trí dẫn đầu cho doanh nghiệp địa phương GoJek - hiện cũng đang mở rộng nhanh chóng trong khu vực.
Nhưng Indonesia vẫn là thị trường nòng cốt của GrabFood, nơi công ty muốn trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn số một trong vòng vài tháng tới.
Đầu năm nay, công ty kỳ vọng các hoạt động kinh doanh của GrabFood sẽ tạo ra lợi nhuận do dư địa tăng trưởng khá lớn ở Đông Nam Á, theo CNBC. Hiện nay GrabFood chiếm khoảng 20% tổng giá trị giao dịch thương mại của Grab, cao hơn so với mức dưới 5% trong năm 2018.
Một phụ nữ khuyết tật vận động kiếm tiền bằng công việc giao món ăn cho GrabFood ở Singapore. Ảnh: Coconuts.co
Trong giai đoạn đầu, Grabfood có đà tăng trưởng bởi nền tảng tệp khách hàng từ ứng dụng gọi xe Grab.
"Chúng tôi nghiên cứu cẩn thận về sự chuyển đổi khách hàng đặt xe qua Grab thành người mua món ăn và sau đó cố gắng tìm cách để biến họ thành người dùng GrabFood," Ahmed nói.
"Triết lí của Grab là 'tạo ra cuộc sống tiện ích' cho khách hàng," Ahmed nhấn mạnh. Lĩnh vực kinh doanh hiện nay của Grab khá đa dạng - từ các dịch vụ vận chuyển, giao đồ ăn và thanh toán trực tuyến, đến dịch vụ đặt phòng khách sạn và vé máy bay, lập kế hoạch chuyến đi, phát video, mua sắm tạp hóa và gần đây nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Grab, GoJek và các công ty trên nền tảng internet khác đang đặt niềm tin vào thị trường Đông Nam Á để đảm bảo sự phát triển trong tương lai, khi mà số lượng người truy cập internet ở đây tăng dần.
Các quốc gia Đông Nam Á tiếp nhận dịch vụ internet tương đối chậm, ít nhất là so với Trung Quốc và Mỹ. Nhưng tình hình đã thay đổi trong vài năm qua, do chi phí sử dụng các dịch vụ trực tuyến rẻ hơn và sự xuất hiện điện thoại thông minh, kể cả ở những vùng xa xôi nhất trong khu vực.