|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất ổn chính trị tại Banglades, ngành dệt may Việt Nam liệu có tận dụng được cơ hội?

16:48 | 19/08/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, do tình hình chính trị bất ổn, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, nếu không đủ điều kiện xuất hàng vào các thị trường khó tính, thì Việt Nam cũng không thể tận dụng được cơ hội này.

Theo báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm ước đạt 23,64 tỷ USD, tăng 4,58% so với cùng kỳ 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,85%.

Hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Nhiều doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng đến cuối năm và đang đàm phản đơn hàng đầu năm 2025. Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trọng những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ thì nhu cầu hàng hoá thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Cơ hội đón nhận những đơn hàng dịch chuyển

Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho rằng, do tình hình bạo loạn tại Bangladesh ngày càng leo thang khiến năng lực sản xuất tạm thời bị giảm sút nên nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Từ đó khiến niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút. Ngoài ra, sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh nên lợi thế về chi phi nhân công của nước này cũng sẽ bị giảm sút.

"Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn là hàng giảm từ 25 - 40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Với tình hình này thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam", Hiệp hội dệt may Việt Nam đánh giá. 

Báo cáo triển vọng về ngành dệt may của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu thời trang hàng đầu tại châu Âu như H&M, Zara đều là khách hàng của Bangladesh.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT (đơn đặt hàng sản xuất may gia công của các công ty thời trang lớn nước ngoài cho các xưởng may mặc quần áo tại Việt Nam) ở mức cao có thể hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Ngoài ra, thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Mỹ vẫn giữ ở mức cao (7,1%) trong năm 2023 và nửa đầu năm nay. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam (15%). Có thể hiểu, các doanh nghiệp Việt có thị phần xuất khẩu lớn đi Mỹ cũng là đối tượng được hưởng lợi.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cũng đánh giá ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự kiện bạo động tại Bangladesh khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc ở Việt Nam có thể đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ quốc gia này. Hiện tại cũng là cao điểm mùa xuất khẩu đối với các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Về dài hạn, các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may bởi tình trạng bất ổn và những rủi ro gián đoạn tiềm ẩn. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng hoàn thiện.

Cần nhanh chóng "chuyển đổi kép" 

Phát biểu tại chương trình “Xuất khẩu khởi sắc - Có tiếng liệu có miếng?” tổ chức mới đây, ông Trần Nhật Trung,  Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, căng thăng chính trị tại Bangladesh dẫn đến ngành may mặc của nước này chỉ đóng cửa trong ngắn hạn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tăng trưởng doanh thu trong thời gian ngắn chứ không duy trì được trong lâu dài. 

Trong khi đó, Bangladesh là một quốc gia có nhiều bất ổn chính trị. Song, quốc gia này vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh các đơn hàng may mặc hơn so với Việt Nam, như lương nhân công thấp, chỉ khoảng 75 - 100 USD so với khoảng 300 USD của Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam cũng vừa tăng lương cơn bản dẫn đế chi phí này còn tăng tiếp.

Cùng với đó, dệt may cũng là ngành trọng yếu của Bangladesh với việc chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu nên rất được Chính phủ hỗ trợ.

"Họ có chuỗi cung ứng gần như hoàn thiện từ đầu đến cuối, trong khi Việt Nam chỉ tập trung vào phần may mặc chưa có sản xuất được đầu vào dẫn đến nhiều nước vẫn chuộng đặt hàng ở Bangladesh", ông Trung nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều đơn hàng dệt may của Việt Nam bị dịch chuyển Bangladesh do chậm chuyển đổi xanh, trong khi thị trường Mỹ Châu Âu bắt buộc phải dán nhán carbon hoặc dán nhãn xanh với những hàng hóa này. 

"Khi tình hình Bangladesh bất ổn, dù Việt Nam có cơ hội nhưng nếu không đủ điều kiện xuất hàng qua các thị trường khó tính như vậy thì Việt cũng không tận dụng được", ông Huân nhìn nhận. 

Tuy vậy, ông Huân cũng cho rằng, thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam nói và dệt may nói riêng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kinh tế toàn cầu tốt lên và các quốc gia sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khiến nhu cầu thế giới tăng lên.

"Để xuất khẩu bền vững và không mang tính thời vụ thì buộc phải thay đổi cấu trúc. Doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện "chuyển đổi kép", tức là song hành chuyển đổi số lẫn chuyển đổi xanh vì đó là hai yếu tố để tăng năng suất lao động và đáp ứng yêu cầu kĩ thuật ở các thị trường khó tính", ông Huân nêu rõ. 

Còn theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, dù mục tiêu xuất khẩu cả năm khoảng 44 tỷ USD hoàn toàn khả thi, song ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức cực kỳ lớn. Trong đó, tiêu chuẩn kép của các thị trường nhập khẩu, họ luôn tìm ra kẽ hở để đưa ra các tiêu chuẩn buộc chúng ta phải tuân thủ. Ngoài ra, các tổ chức đánh giá của các nhãn hàng cũng đặt ra những tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các nhãn hàng khiến các doanh nghiệp trong nước phải rất khó khăn mới ứng được.

Trong bối cảnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng, Hiệp hội dệt may Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dựng tự động hoá các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.

Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu than thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hoá thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài.

Ngọc Bảo