|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bão giá cước vận tải biển, doanh nghiệp xuất khẩu phải từ chối nhiều đơn hàng

10:01 | 19/01/2022
Chia sẻ
Cước vận tải biển tăng 5-10 lần, thời gian giao hàng kéo dài ba tháng khiến nhiều doanh nghiệp phải từ chối nhiều đơn hàng vì lo ngại không có lợi nhuận, bị phạt hợp đồng vì giao hàng trễ.

Dù đơn đặt hàng đầu năm 2022 từ khách hàng nước ngoài rất nhiều nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại không dám nhận, không dám ký, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM nói trong hội thảo "Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh COVID-19", theo báo Pháp luật TP HCM.

Bà Chi cho biết đầu năm 2022, nhiều công ty đã xuất khẩu hàng chục tấn hàng hóa sang thị trường các nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phải từ chối, giảm đơn hàng vì giá cước vận tải phi mã, tăng gấp 5-10 lần và thời gian vận chuyển kéo dài thêm hàng tháng so với trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Đơn cử, giá cước phí một container loại 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ trước đây có giá từ 2.000 USD trở lại, 28 ngày đến nơi. Song hiện nay giá tăng lên 13.000 - 15.000 USD/container, thời gian vận chuyển kéo dài gần ba tháng. Tương tự với chuyến hàng xuất khẩu đi Nga, đi Australia.

Đây là những nguyên nhân chính khiến các nhà xuất khẩu khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới từ đối tác nước ngoài.

"Nhà xuất khẩu Việt Nam lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài đang rơi vào thế bị động. Trong khi đó, họ rất khó để điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do hầu hết đơn hàng đã ký trước và phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách hàng cũng như tạo việc làm cho người lao động", bà Chi nói.

Điều này xảy ra tương tự với các doanh nghiệp gỗ. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết: "Nhiều đơn hàng chúng tôi không dám ký với đối tác vì không có lợi nhuận hoặc không đáp ứng được các đòi hỏi về thời gian giao hàng".

Bão giá cước vận tải biển, doanh nghiệp xuất khẩu phải từ chối nhiều đơn hàng - Ảnh 1.

Cước vận tải, chi phí nguyên liệu, nhân công tăng đang ngáng đường xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ. (Ảnh minh họa: VTV)

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM, cho rằng các công ty xuất nhập khẩu, logistics cần chủ động lựa chọn các giải pháp, địa điểm, cách thức giao nhận mới thay vì truyền thống. Chẳng hạn có thể tăng cường giao nhận hàng hóa ngay tại cảng sông gần với nhà máy.

"Tôi cũng cho rằng các công ty sản xuất nên lập bản đồ phân loại và lựa chọn các nhà cung cấp nguyên liệu theo mức độ rủi ro thấp, trung bình hoặc cao. Đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cơ sở cung ứng, gia tăng thêm kho chứa hàng… để không bị động về kế hoạch sản xuất và xuất khẩu", ông Cường khuyến nghị.

Về phía Sở Công Thương TP HCM, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, cho biết giai đoạn 2022-2030, TP HCM sẽ thành lập trung tâm logistics hỗ trợ xuất khẩu của vùng Đông - Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, TP HCM sẽ công bố danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, xuất khẩu gắn với thị trường cần xúc tiến thương mại. Điều này nghĩa là sẽ thực hiện hoạt động xúc tiến theo danh mục.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết VLA đang kiến nghị Chính phủ có chiến lược phát triển đội tàu Việt Nam, đề xuất này Cục Hàng hải đang nghiên cứu.

Đồng thời, VLA cho rằng cần có chiến lược phát triển vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam để hỗ trợ nông sản và hàng hóa "Made in Vietnam" tiếp cận thị trường toàn cầu và tận dụng tốt các FTA.

Hoàng Anh