|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019

14:24 | 21/02/2019
Chia sẻ
Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam vừa công bố Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019 số ra ngày 21/2/2019.

Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ năm 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019, một sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends đưa ra những thông điệp chính như sau:

Thông điệp 1. Kim ngạch xuất khẩu cao, tăng trưởng ở mức 2 con số, điều này thể hiện động lực phát triển mạnh mẽ của ngành.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỉ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỉ USD) so với kim ngạch năm 2017.

Ba nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất bao gồm viên nén, dăm gỗ và gỗ dán/gỗ ghép. Năm 2018, giá trị xuất khẩu viên nén tăng gần 2 lần, dăm gỗ tăng 1,2 lần, gỗ dán/gỗ ghép tăng 1,7 lần. 

Kim ngạch của 3 nhóm mặt hàng này năm 2018 cao hơn 741,9 triệu USD so với kim ngạch của năm 2017, chiếm 69% trong con số tăng trưởng trong xuất khẩu của tất cả các mặt hàng năm 2018.

Thông điệp 2. Ngành gỗ đang có những bước chuyển dịch tích cực ở khâu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu ‘sạch’ tăng, gỗ có nguồn gốc rủi ro giảm.

Tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỉ USD, tăng 7,6% so với 2017. Ba nhóm mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. 

Năm 2018, giá trị nhập khẩu 3 nhóm mặt hàng này khoảng 2,2 tỉ USD, chiếm gần 93,6% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu tất cả các mặt hàng gỗ nhập vào Việt Nam trong cùng năm.

Thông điệp 3. Mặc dù đang tăng trưởng mạnh, ngành vẫn còn một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của ngành

Các yếu tố tạo nên sự chưa bền vững của ngành thể hiện trên các khía cạnh về chủng loại mặt hàng xuất khẩu và nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào trong sản phẩm xuất khẩu. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ vẫn có tỉ trọng lớn, khoảng 2,19 tỉ USD, chiếm gần 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. 

Năm 2018, lượng dăm gỗ xuất khẩu đạt gần 10,4 triệu tấn khô (BDT), kim ngạch đạt 1,34 tỉ USD. Cả lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh cho thấy các nỗ lực của ngành trong việc hạn chế xuất khẩu dăm, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho chế biến còn hạn chế. 

[Báo cáo] Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019 - Ảnh 1.

Thông điệp 4. Chính phủ Việt Nam ký FLEGT VPA với EU tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu; tuy nhiên, xuất khẩu sẽ chỉ bền vững khi các rủi ro hiện tại về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung được loại bỏ hoàn toàn.  

Nhìn chung, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đáp ứng tốt các quy định về tính hợp pháp của sản phẩm. Các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào các thị trường này thường được làm từ gỗ keo, cao su, là gỗ rừng trồng trong nước và từ gỗ nhập khẩu từ các nguồn cung sạch. 

Tuy nhiên, hiện còn tồn tại các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong một số chuỗi cung xuất khẩu đi các thị trường khác, và đặc biệt trong chuỗi cung gỗ cho tiêu dùng nội địa. Các rủi ro này hình thành do việc duy trì sử dụng các loài gỗ tự nhiên, bao gồm một số loại gỗ quý được nhập khẩu từ các quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém. 

Thông điệp 5. Cuộc chiến Mỹ- Trung  tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên đã có bằng chứng về gian lận thương mại với Việt Nam là quốc gia trung chuyển, cũng như nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp từ sự bùng nổ làn sóng đầu tư, và điều này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam.

Năm 2018, viên nén, dăm gỗ và ván các loại là 3 nhóm mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (HS 44) có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch lớn nhất.

Tăng trưởng của các mặt hàng sản phẩm gỗ, thuộc nhóm HS 94, là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao nhỏ hơn rất nhiều, chỉ chiếm 15,5% trong tổng tăng trưởng của năm (so với 69% trong tổng tăng trưởng của viên nén, dăm gỗ và ván các loại). 

Mức tăng trưởng 15,5% này không cao hơn so với mức tăng trưởng các mặt hàng này giai đoạn 2016-2017. Điều này cho thấy tăng trưởng mạnh về kim ngạch năm 2018 chủ yếu là ở các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu. 

Mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn chủ yếu theo chiều rộng, thông qua việc mở rộng xuất khẩu sản phẩm thô chứ chưa phải tăng trưởng theo chiều sâu, đi vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất không phải là ở Mỹ (trừ ván dăm) hay EU, mà ở Hàn Quốc (chủ yếu do mặt hàng viên nén) và một vài thị trường khác.

Năm 2018, xuất khẩu gỗ dán, gỗ ghép từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng 270% so với năm 2017. Đã có một số bằng chứng cho thấy có sự gian lận thương mại, với các loại gỗ dán của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ với tên Việt Nam.

Như Huỳnh

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…