|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 10/2023: Tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất 6 năm

15:30 | 17/11/2023
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ vượt sản lượng 7,4 triệu tấn. Điều này dẫn đến tồn kho cuối kỳ toàn cầu sẽ giảm xuống còn 167,4 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Trong đó, tồn kho tại Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ tiếp tục thu hẹp.

Trong báo cáo tháng 11, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 đạt kỷ lục 517,8 triệu tấn (xay xát), giảm 340.000 tấn so với dự báo tháng trước nhưng tăng 4,4 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.

Argentina, Australia, Brazil, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Liên minh Châu Âu, Mỹ… chiếm phần lớn mức tăng sản lượng gạo toàn trong niên vụ 2023- 2024.

Ngược lại, sản lượng gạo tại Ấn Độ được dự báo sẽ giảm gần 3,8 triệu tấn xuống còn 132 triệu tấn, mặc dù vậy đây vẫn là mức cao thứ hai được ghi nhận tại nước này. Sản lượng gạo niên vụ 2023 - 2024 của Thái Lan dự kiến giảm 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước xuống còn 19,5 triệu tấn. Còn Indonesia dự kiến giảm 500.000 tấn, đạt 33,5 triệu tấn do mùa mưa bắt đầu chậm.

Cũng theo USDA, tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt mức kỷ lục 525,2 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 2,8 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023, vượt sản lượng 7,4 triệu tấn.

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu vào niên vụ 2023-2024 dự kiến ở mức 167,4 triệu tấn, giảm 7,4 triệu tấn so với niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 6 năm qua. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn sự sụt giảm tồn kho cuối kỳ toàn cầu. Tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 của Trung Quốc dự kiến giảm 2,1 triệu tấn xuống 104,5 triệu tấn và của Ấn Độ dự kiến giảm 2,5 triệu tấn xuống 32,5 triệu tấn.

 Cung - cầu gạo thế giới niên vụ 2019-2020 đến 203-2024. (Nguồn: USDA)

Thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2024 dự kiến đạt 52,85 triệu tấn (xay xát), tăng 345.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 460.000 tấn so với ước tính 53,3 triệu tấn của năm 2023.

Đồng thời USDA cũng điều chỉnh thương mại gạo toàn cầu vào năm 2023 giảm 505.000 tấn so với dự báo tháng 10 và thấp hơn 1% so với một năm trước đó.

Sự sụt giảm dự kiến trong thương mại gạo toàn cầu trong cả năm 2023 và 2024 chủ yếu dựa trên các lệnh cấm xuất khẩu gần đây và các hạn chế xuất khẩu khác của Chính phủ Ấn Độ.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, xuất khẩu gạo của nước này trong 9 tháng đầu năm đạt 15,2 triệu tấn, trị giá 8,4 triệu USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn với Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 635.102 tấn gạo trong tháng 10, với trị giá 406,8 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm 10,9% về lượng nhưng vẫn tăng 19,4% về trị giá.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta đạt gần 7,05 triệu tấn với kim ngạch thu về 3,95 tỷ USD, tăng 15,9% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù còn tới hai tháng nữa mới kết thúc năm 2023 nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo hiện đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới, vượt xa con số 3,45 tỷ USD đạt được trong cả năm 2022.

Kết quả này cũng giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan 6,88 triệu tấn để vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang được giao dịch ở mức cao nhất trên thị trường. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 650-655 USD/tấn, tăng tới 30 USD/tấn trong một tháng trở lại đây và cao hơn 85 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và gần 90 USD/tấn so với Pakistan.

Báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo cho thấy, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dưới áp lực chi phí giá vốn và lãi vay tăng cao, cộng thêm biến động về tỷ giá, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành gạo tương đối thấp, thậm chí có đơn vị đã báo lỗ trong quý III và 9 tháng đầu năm.

Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 10/2023 tại đây: 

Hoàng Hiệp, thiết kế: Vân Miên