|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam

14:41 | 27/06/2019
Chia sẻ
Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam công bố Báo cáo Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam số ra ngày 27/6/2019.

Căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Trong bối cảnh này, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi. 

Tuy nhiên, lợi ích đính kèm với các rủi ro mới. Báo cáo này đánh giá một số tác động của cuộc chiến này đối với ngành gỗ Việt Nam trong thời gian gần đây, tập trung vào chuyển dịch trong đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và thay đổi trong cơ cấu và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Lợi ích cho ngành gỗ

Việt Nam đã trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ. Mức thuế mới áp lên các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của các công ty có các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Với các lợi thế nhân công giá rẻ và thuận tiện về giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tiếp cận với các hệ thống cảng nước sâu, Việt Nam đã và đang đón nhận dòng đầu tư FDI mới vào ngành, đặc biệt từ Trung Quốc. 

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong năm tháng đầu 2019, tương đương với 73% tổng số dự án năm 2018; quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành trong cả năm 2018. 

Trong số quốc gia đầu tư, Trung Quốc đứng đầu bảng, với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ. Quy mô các dự án đầu tư mới nhỏ, trung bình khoảng trên dưới 2 triệu USD/dự án. 

Gia tăng đầu tư FDI vào ngành gỗ trực góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành, tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách.

Rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Các dự án đầu tư FDI, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể là chiến lược của các công ty của Trung Quốc trong việc né thuế xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 

Các dự án đầu tư FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có quy mô vốn nhỏ, điều này có thể là chỉ số về chiến lược né thuế của các công ty này. Nếu điều này đúng đây sẽ là rủi ro lớn cho ngành gỗ Việt Nam vì có liên quan đến gian lận thương mại (xem các ý tiếp theo). 

Ngoài ra, đã có một số tín hiệu cho thấy nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam được mở rộng thông qua các kênh như mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam, hoặc thông qua các hoạt động mua bán, sát nhập doanh nghiệp Việt, hoặc qua hình thức thuê các công ty Việt Nam gia công chế biến, với các mặt hàng gỗ được sản xuất từ các dự án này được gắn mác sản phẩm từ Việt Nam trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 

Báo cáo này chưa có thông tin cụ thể về các hình thức FDI mới này. Đây là một loại hình rủi ro mới cho ngành gỗ Việt Nam, là hệ quả trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Kiến nghị đối với Việt Nam

Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang là vấn đề cấp bách của ngành gỗ. Các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về các loại hình rủi ro trong cả các dự án đầu tư FDI và trong các sản phẩm xuất khẩu. 

Đánh giá rủi ro trong các dự án FDI cần bao gồm đánh giá cả về dự án mở rộng, các dự án mua cổ phần, sát nhập doanh nghiệp. Cũng cần có các đánh giá tình trạng thực tế về các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt các doanh nghiêp của Trung Quốc thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng và nhân công của Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. 

Đánh giá cũng cần thực hiện đối với nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào của các công ty mới có vốn FDI, đặc biệt là các công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc, bao gồm cả trong các dự án FDI mới, các dự án mở rộng và các dự án mua cổ phần. 

Chi tiết báo cáo: 

Như Huỳnh