|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bangladesh xếp thứ 5 thế giới về nhập khẩu lúa mì

21:49 | 05/01/2019
Chia sẻ
Bangladesh ghi nhận ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhập khẩu lúa mì trong 5 năm tài chính vừa qua, chủ yếu vì thay đổi thói quen tiêu thụ thực phẩm của người dân nước này.

Với khoảng 5,5 triệu tấn được thu mua, Bangladesh đã nổi lên như một nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu trên thế giới với khối lượng nhập khẩu đạt mức cao kỉ lục trong năm tài chính vừa qua, chủ yếu là do sự thay đổi trong sở thích ăn kiêng của người tiêu dùng và thị trường thực phẩm nướng bùng nổ, các nguồn tin trong ngành cho biết.

Theo Hellenic Shipping News, nhà cung cấp thông tin xuất khẩu toàn cầu, quốc gia này xếp thứ 5 thế giới về nhập khẩu lúa mì. 4 nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu khác gồm Ai Cập (12 triệu tấn), Indonesia (9,5 triệu tấn), Algeria (8 triệu tấn) và Brazil (7 triệu tấn).

Nhập khẩu lúa mì của Bangladesh tăng gấp ba lần trong 5 năm lên 5,4 triệu tấn trong năm tài chính 2016 - 2017 từ mức 1,8 triệu tấn trong năm tài chính 2012 - 2013. Nhập khẩu lúa mì trong năm tài chính 2013 - 2014 đạt 2,7 triệu tấn, theo sau là 3,8 triệu trong năm 2014 - 2015 và 4,2 triệu trong năm 2015 - 2016.

Chuyên gia nông nghiệp Delwar Hossain cho biết, Bangladesh đã chuyển sang khu vực Biển Đen để nhập khẩu lúa mì vì nguồn cung từ Ấn Độ đã suy giảm khi đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong nước.

Với khối lượng nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn lúa mì, quốc gia Nam Á đã trở thành một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Sản lượng của Bangladesh trì trệ ở khoảng 1,3 triệu tấn.

bangladesh xep thu 5 the gioi ve nhap khau lua mi
Ảnh: Reuters.

Báo cáo gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo yêu cầu nhập khẩu lúa mì cho năm tài khóa 2018 - 2019 của Bangladesh sẽ ở mức kỉ lục hơn 6 triệu tấn, tăng hơn 34% so với mức trung bình 5 năm trước sau khi tăng ổn định kể từ năm tài khóa 2012 - 2013.

Nhu cầu lúa mì mạnh mẽ phản ánh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng cũng như sự gia tăng trong việc sử dụng như một nguồn lương thực thay thế cho gạo, thực phẩm đắt tiều hơn rất nhiều.

Tương tự, nhu cầu nhập khẩu ngô dự kiến sẽ tăng lên 1,7 triệu tấn, tăng hơn 10% so với mức kỉ lục xác lập vào năm ngoái vì nhu cầu thực phẩm ổn định.

Ngược lại, yêu cầu nhập khẩu gạo ước đạt dưới mức trung bình 850.000 tấn, phản ánh nguồn cung dồi dào từ sản lượng kỉ lục trong năm 2018.

Nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc tiếp tục gia tăng

Nhìn chung, các yêu cầu nhập khẩu ngũ cốc trong năm tài chính 2018 - 2019 (tính từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019) ước đạt 8,6 triệu tấn, tăng gần 30% so với mức trung bình 5 năm và giảm 22% so với mức cao của năm trước.

Trao đổi với The Daily Industry, giám đốc marketing của PRAN-RFL Group, nhà sản xuất các mặt hàng thực phẩm làm từ lúa mì hàng đầu, cho biết thói quen ăn uống và lối sống của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều. Nhiều người trong số họ hiện bỏ qua cơm trong bữa trưa hoặc bữa tối và tiêu thụ bánh mì, mì và các mặt hàng thực phẩm tinh vi khácsử dụng lúa mì.

Ông cho biết công ty đang xuất khẩu nhiều sản phẩm thực phẩm đa dạng có nguồn gốc từ lúa mì sang các thị trường Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, Malaysia và Trung Đông. Ông cũng nhấn mạnh chính phủ cần phải nỗ lực để tăng sản lượng lúa mì.

"Chúng tôi đang cố gắng tăng sản lượng trong nước, phát triển các giống tốt hơn và tăng diện tích trồng trọt", ông Naresh Chandra Dev, một quan chức hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu lúa mì Bangladesh nói.

Một báo cáo từ FAO cũng cho biết thế giới sẽ cần khoảng 840 triệu tấn lúa mì vào năm 2050 từ mức sản lượng hiện tại là 642 triệu tấn. Đồng thời phải đạt được mục tiêu này với diện tích đất và nguồn tài nguyên ít hơn thông qua các can thiệp về di truyền, sinh lý và nông học, đặc biệt là các công nghệ bảo tồn tài nguyên .

Ngoài ra, nhân giống chính xác để cải thiện độ đàn hồi của giống, các sáng kiến mới để theo dõi biến đổi khí hậu và mô hình cây trồng để dự báo năng suất trước sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Lyly Cao