Bangkok Post: Hợp tác thương mại Việt Nam - Australia đứng trước nhiều cơ hội lớn
Kể từ khi Mỹ ngừng hợp tác với Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp, khả năng sinh lời của ngành chế tạo Trung Quốc đã giảm sút. Khi mức sống ở Trung Quốc tăng lên, chi phí lao động ở những nơi khác trở nên thấp hơn một cách tương đối. Điều này giúp thúc đẩy các nhà sản xuất tìm đến những địa điểm rẻ hơn, chẳng hạn như Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để biến đất nước thành một điểm đón đầu đầu tư và doanh nghiệp hấp dẫn. Nhiều công ty đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong số này có nhiều công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus, cũng như một số hãng giày như Nike và Adidas.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Australia khởi sắc
Theo Bangkok Post, Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Australia trong thời gian gần đây. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam và Australia từng ở hai bờ chiến tuyến, tuy nhiên hoạt động thương mại song phương đã đưa hai bên xích lại gần nhau.
Giao thương giữa Việt Nam và Australia đạt 14,5 tỉ USD mỗi năm và tăng lên từng ngày.
Trong năm 2018, Australia xuất khẩu 5 tỉ USD hàng hóa sang nước ta, trong khi nhập khẩu về 6,1 tỉ USD hàng hóa Việt Nam. Đầu tư của doanh nghiệp Australia chỉ chiếm 0,1% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng thực tế này sẽ thay đổi khi ngày càng nhiều công ty quan tâm đến việc mở chi nhánh tại Việt Nam.
Một số doanh nghiệp như ngân hàng ANZ, hãng đóng tàu Austal, doanh nghiệp logistics Linfox và đại học RMIT International đều đã bước chân vào thị trường Việt Nam.
Australia còn đang tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho Việt Nam. Cựu cầu thủ bóng bầu dục người Australia Wes Maas đã đầu tư vào Việt Nam và thành lập một công ty xây dựng tại đây hồi tháng 7/2019.
Chuyến thăm của Thủ tướng Australia Scott Morrison đến Việt Nam hồi tháng 8 đã phản ánh mối quan hệ song phương ngày càng thân thiết giữa hai nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Australia đến Hà Nội kể từ năm 1994, thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ kinh tế và quốc phòng.
Vào tháng 3/2018, Việt Nam và Australia đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược. Có khả năng doanh nghiệp Australia sẽ hợp tác cùng Việt Nam khám phá năng lượng trên vùng biển nước ta.
Trong khi hàng hóa Australia xuất khẩu sang Trung Quốc thường là các kim loại nặng như sắt và thép, sản phẩm xuất sang Việt Nam thường bao gồm dịch vụ, logistics và một số mặt hàng khác.
SunRice, một tập đoàn đến từ Australia, đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam và đang xuất khẩu gạo sang các nước láng giềng vì Australia không có hiệp định thương mại tự do về lúa gạo với các quốc gia này. Chính sách thương mại tự do của Việt Nam phần nào giúp thu hút các công ty công nghiệp từ Australia.
Bangkok Post nhận định rằng một yếu tố quan trọng khiến Việt Nam thành điểm đến đáng chú ý chính là thuế thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn dành cho các công ty lớn đang tìm cách dịch chuyển sản xuất.
Một số công ty lớn tại Việt Nam được hưởng mức thuế suất gần như bằng 0 trong 5 năm đầu tiên, 5% cho 10 năm tiếp theo và 10% cho hai năm kế tiếp. Trong khi đó ở Ấn Độ, thuế suất với doanh nghiệp nước ngoài có thể cao tới 43%.